Góp ý chính sách – Xuất hoá đơn hàng bán bị trả lại

Hiện nay, việc lập hóa đơn được quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong Nghị định 123/2020/NĐ-CP không quy định cách xử lý cho từng trường hợp cụ thể như trường hợp người mua trả lại hàng là một ví dụ điển hình nên đã xảy ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dẫn đến việc nhiều cơ quan thuế tại các địa phương vận dụng quy định tại khoản 1 Điều 4 để xác định người bán có nghĩa vụ xuất hóa đơn trả lại hàng và đang phân loại trường hợp người mua trả lại thuộc trường hợp hóa đơn có sai sót và phải xử lý theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Từ đó ảnh hưởng đến nghĩa vụ kê khai thuế GTGT của người nộp thuế và phát sinh thêm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan không cần thiết, chưa phù hợp với một số văn bản pháp luật liên quan như Luật Kế toán, Luật Thương mại và Bộ Luật Dân sự,…đi ngược lại với định hướng cải cách thủ tục hành chính mà cả hệ thống chính trị đang quyết tâm thực hiện trong suốt thời gian qua. Cụ thể, hóa đơn trả lại hàng được khai bổ sung tại kỳ bán hàng (kỳ có sai sót). Như vậy có 2 vấn đề cần được xem xét.

Một là, người bán hay người mua phải xuất hóa đơn hoàn trả hàng hóa.

Hai là, kê khai hóa đơn trả hàng vào kỳ phát hiện hay kê khai bổ sung tại kỳ bán hàng.

Về xuất hoá đơn trả lại hàng:

Căn cứ ttheo Điều 20 của Luật Kế toán 88/2015/QH13 và Điều 3 Nghị định 123/2020/NĐ-CP đều quy định rằng:

“Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Như vậy, hoá đơn là chứng từ để bên bán ghi nhận thông tin bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ chứ không phải chứng từ để bên bán nhận lại hàng hoá, dịch vụ đã bán hoặc cung cấp cho bên mua.

Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.

Căn cứ khoản 8, Điều 3, Luật thương mại 2005 quy định:

“Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.”

Như vậy, theo quy định của Luật Thương mại và Bộ Luật dân sự, đối chiếu với quy định của Luật kế toán và các chuẩn mực kế toán liên quan cũng như quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì chỉ tổ chức, cá nhân chuyển giao quyền sở hữu của hàng hóa mới phải xuất hóa đơn. Trường hợp người mua trả lại hàng cho người bán xảy ra thì trước đó các bên liên quan buộc phải diễn ra giao dịch người bán hàng hóa (chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa) cho người mua. Sau giao dịch mua bán đó, người bán đã không còn quyền sở hữu đối với những hàng hóa đã bán. Khi người mua trả lại hàng theo các quy định trên chính là việc người mua đang thực hiện quyền chuyển giao quyền sở hữu hàng hóa của mình cho người bán. Chính vì vây, để đảm bảo tính đồng bộ trong cách hiểu và áp dụng các văn bản qui phạm pháp luật, khi phát sinh trường hợp trả lại hàng, người mua chính là người xuất hóa đơn trả lại hàng (hay chuyển giao lại quyền sở hữu cho người bán) là hoàn toàn phù hợp, người bán không còn quyền sở hữu để chuyển giao nên không thể là người xuất hóa đơn khi hàng hoá thuộc sở hữu của người khác.

Mặc dù như đã khẳng định ở trên rằng người mua xuất hóa đơn trả lại hàng là phù hợp với các văn bản có giá trị pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, trong thực tế có những trường hợp người mua là đối tượng không có hóa đơn để xuất trả hàng (chuyển giao quyền sở hữu). Trong trường hợp này, để đảm bảo tuân thủ các quy định trên người bán phải và người mua phải lập văn bản để người bán thu hồi hóa đơn đã lập trước đó và để thu hồi lại quyền sở hữu hàng hóa đã chuyển giao cho người mua.

Lưu ý rằng việc thu hồi hóa đơn phải có sự thỏa thuận của người mua và người bán. Hàm ý rằng, người mua hoàn trả lại quyền sở hữu cho người bán. Trong trường hợp người mua chỉ trả một phần hàng, người bán thực hiện xuất hóa đơn mới cho số hàng mà thực tế người mua chấp nhận mua. Lúc này, người bán thu hồi quyền sở hữu hàng hóa nên có thể xuất hóa đơn cho phần hàng hóa này.

Xét thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP nêu:

“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); Xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa).”.

Quy định này mới chỉ nêu chung chung, chưa rõ ràng về mặt ngữ nghĩa cũng như cách lập luận và cấu trúc câu chưa chặt chẽ rất dễ làm cho người đọc văn bản không hiểu, gây hoang mang khi nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau như thời gian qua. Do đó, cơ quan soạn thảo cần có quy định cụ thể và rõ ràng về cách xử lý cho từng trường hợp người mua trả lại hàng như đã từng được hướng dẫn cụ thể trước đây tại Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Về việc kê khai hóa đơn trả lại hàng:

Việc kê khai đối với hoá đơn trả lại hàng cần phân biệt rõ sự khác biệt giữa hàng bán bị trả lại và bán hàng có phát sinh sai sót cũng như xác định được mục tiêu của việc kê khai cho từng trường hợp để từ đó đưa ra hướng xử lý phù hợp nhất.

  • Hàng bán bị trả lại được khẳng định là hàng đã bán, đã được chuyển giao quyền sở hữu và xác định là đã tiêu thụ nhưng vì một lý do nào đó bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán theo sự thoả thuận của hai bên tại thời điểm trả lại hàng chứ không phải tại thời điểm chuyển giao hàng hoá. Đây là một sự kiện hay giao dịch kinh tế phát sinh sau thời điểm giao dịch bán hàng, chuyển giao quyền sở hữu và tại thời điểm bán hàng, hóa đơn đã được xuất theo thông tin của hợp đồng, phiếu giao hàng, giấy chứng nhận chất lượng,… không có sai sót thuộc trường hợp phải xử lý theo Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP;
  • Căn cứ theo hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán thì thời điểm ghi nhận doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ là thời điểm hàng hoá, dịch vụ đã được chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua;
  • Thời điểm ghi nhận doanh thu theo Thông tư 200/2014/TT-BTC là thời điểm phát sinh giao dịch, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận và không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền. Như vậy, khi các bên đã chuyển giao và xuất hoá đơn thì có nghĩa là giao dịch doanh thu đấy đã được ghi nhận. Ngoài ra, Thông tư 200/2014/TT-BTC cũng đã hướng dẫn trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau);
  • Theo hướng dẫn của Thông tư 96/2015/TT-BTC thì thời điểm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động bán hàng hóa làthời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua;
  • Xét trên góc độ thuế và nghĩa vụ với ngân sách nhà nước thì khi Bên bán phát hành hoá đơn GTGT, người bán đã có nghĩa vụ kê khai, tính nộp thuế theo thời gian quy định, người mua cũng chỉ được kê khai khấu trừ khi nhận được hoá đơn GTGT của người bán có thể cùng thời điểm hoặc chậm hơn. Tương tự như vậy, nếu như vẫn giữ bên bán phải xuất hoá đơn trả lại hàng, khi xuất lại hoá đơn trả hàng, bên bán kê khai giảm thuế đầu vào tại thời điểm đã kê khai trước đó hay tại thời điểm phát hành hoá đơn trả lại hàng cũng không làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ ngân sách nhưng làm phát sinh tiền chậm nộp (nếu có) với bên mua trong khi việc trả lại hàng hoàn toàn là một giao dịch được pháp luật cho phép và không bên nào biết trước.

Như vậy, xét trên tổng thể và để phù hợp với các quy định, hướng dẫn hiện hành, thì khi phát sinh hóa đơn trả lại hàng cần được kê khai tại kỳ trả lại hàng mới đúng thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế. Hóa đơn trả lại hàng được khai bổ sung tại kỳ bán hàng (kỳ có sai sót) là chưa phù hợp làm phát sinh thêm rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến kê khai, gây hao phí lớn nguồn nhân lực cho xã hội và dễ dẫn đến phát sinh nhiều rủi ro, tiêu cực do sai sót trong quá trình kê khai, gây khó khăn rất lớn cho người làm công tác kế toán tại các doanh nghiệp trong thời gian qua.

Từ các nội dung phân tích trên (chưa phải là tất cả), chúng tôi cho rằng việc Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định chưa rõ ràng đã dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong trường hợp xuất hoá đơn hàng bán bị trả lại và cách kê khai đối với trường hợp này là hoàn toàn chưa phù hợp. Rất mong cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định liên quan cũng như tình hình thực tế triển khai, các vướng mắc phát sinh trong suốt thời gian qua để có hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp giúp hạn chế tối đa các thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp và góp phần vào nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Tin liên quan