Bài Tham luận gửi Đại hội thành lập VAPAP

Hành nghề Kế toán đơn lẻ tại Việt nam, không thể đại diện cho tiếng nói chung của hoạt động Hành nghề Kế toán chuyên nghiệp tại Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, những người hành nghề Kế toán chân chính và các đơn vị dịch vụ kế toán kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, như:

  • Cạnh tranh về giá cả và tính tuân thủ pháp luật, trong môi trường kinh doanh dịch vụ Kế toán không bình đẳng giữa những người Hành nghề Kế toán chân chính (tuân thủ Pháp luật) với những người hành nghề Kế toán tự do (không chứng chỉ và không đăng ký hành nghề, đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán, Công ty kiểm toán làm kế toán, Công ty luật làm kế toán, …);
  • Những thách thức rủi ro nghề nghiệp, rủi ro trong kinh doanh đôi khi không kiểm soát được, luôn có khả năng xãy ra trong bối cảnh của nền kinh tế – xã hội hiện nay tại Việt Nam nói riêng, nền kinh tế trong khu vực và thế giới đang trong giai đoạn tuột dốc nói chung.
  • Khung pháp lý hiện hành của Việt Nam đối với hành nghề và kinh doanh dịch vụ kế toán còn nhiều bất cập, qui định của luật kế toán Việt Nam hiện hành cũng còn đôi chỗ chưa rỏ ràng, khắc khe đối với người Hành nghề Kế toán, cụ thể:
  • Một kế toán viên có trình độ đại học muốn thi lấy Chứng chỉ hành nghề phải trải qua 5 năm kinh nghiệm thực tiễn không phân biệt người đang làm việc tại những Công ty dịch vụ kế toán, trong khi đó thi chứng chỉ KTV nếu người thi đã làm trợ lý kiểm toán tại các doanh nghiệp kiểm toán, chỉ cần 4 năm kinh nghiệm thực tiễn; Ngoài ra những người tốt nghiệp chuyên ngành ngân hàng, chuyên ngành khác thỏa một số điều kiện vẫn có quyền thi lấy Chứng chỉ KTV, nhưng lại không có quyền thi lấy chứng chỉ APC.
  • Người có Chứng chỉ APC muốn đảm nhiệm chức vụ kế toán trưởng phải thi lấy giấy chứng nhận kế toán trưởng (Chứng chỉ kế toán trưởng chỉ cần có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng làm việc 2 năm là đủ điều kiện thi).
  • Người có chứng chỉ APC muốn cung cấp dịch vụ khai báo thuế phải thi tín chỉ hành nghề thuế, KTV thì được miễn thi.
  • Các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán, đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán không đăng ký hành nghề với VAA, không ai quản lý chất lượng dịch vụ do các tổ chức này cung cấp cho khách hàng.
  • Trong thời gian qua chưa hề có một tổ chức nghề nghiệp nào đại diện cho tiếng nói của những người hành nghề kế toán chân chính và các đơn vị dịch vụ kế toán kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam kiến nghị lên các cơ quan chức năng quản lý nhà nước để có biện pháp giải tỏa các khó khăn trên nhằm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp và lợi ích chính đáng của người Hành nghề Kế toán tại Việt Nam.
  • Việc kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán trong thời gian qua:
  • Chưa đi sâu vào vấn đề chất lượng của Báo cáo tài chính mà các đơn vị dịch vụ cung cấp cho khách hàng dẫn đến thực trạng hiện nay còn rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán chỉ dựa trên cơ sở hóa đơn, không theo dõi các khoản phát sinh thực tế: tiền mặt tồn rất cao, tồn kho không đúng, công nợ không theo dõi,… Chính vì thế Báo cáo tài chính không phản ánh đúng thực tế tại doanh nghiệp, không phục vụ cho nhu cầu quản lý mà chỉ phục vụ cho mục đích thuế, làm mất uy tín dịch vụ cung cấp cho khách hàng, công chúng;
  • Hàng năm chưa kết hợp giữa kết quả kiểm tra vào việc CNKT nhằm tư vấn và hỗ trợ cho các DN dịch vụ Kế toán khắc phục những khiếm khuyết (nếu có) nhằm giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp.

Để vượt qua các thách thức trên, những người Hành nghề Kế toán đơn lẻ cần tập hợp nhau lại thành lập một tổ chức nghề nghiệp Kế toán chuyên nghiệp, để có cơ hội cùng nhau sinh hoạt nghề nghiệp: Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm, tìm giải pháp tốt nhất để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình hành nghề; Thường xuyên hỗ trợ nhau học tập chuyên môn, nâng cao năng lực hành nghề; Đại diện tiếng nói tập thể những người Hành nghề Kế toán, nhằm Bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, lợi ích nghề nghiệp chính đáng của những người Hành nghề Kế toán chân chính; Nhắc nhở nhau tuân thủ pháp luật; Tự kiểm tra, giám sát chất lượng hành nghề nhằm bảo vệ uy tín nghề nghiệp Kế toán Việt Nam và quyền lợi của người sử dụng dịch vụ của Hội viên của tổ chức nghề nghiệp kế toán cung cấp cho công chúng.

VAA là một tổ chức Xã hội – Nghề nghiệp Kế toán và Kiểm toán của Việt Nam là cơ quan ngôn luận chung của các tổ chức Kế toán thành viên, hoạt động trong lĩnh vực Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, bao gồm: Tổ chức Kiểm toán độc lập Việt Nam (VACPA), Hội Kiểm toán Nhà Nước Việt Nam, các Hội Kế toán tỉnh, thành phố; Hội Kế toán các Ban ngành quản lý kinh tế nhà nước; Hội Kế toán của các tổng công ty nhà nước; Các Hội kế toán của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ; Hội kế toán của các đơn vị đoàn thể xã hội, nghề nghiệp khác hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; Câu lạc bộ Kế toán Trưởng.

Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của VAA chưa có tổ chức thành viên nào đại diện cho người Hành nghề Kế toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán chuyên nghiệp hoạt động trên thị trường Việt Nam.  VAA chỉ thành lập một Ban quản lý Hành nghề Kế toán (Ban QL-HNKeT) để thực hiện chức năng quản lý hoạt động Hành nghề Kế toán, theo qui định của Bộ Tài chính Việt Nam (Tham khảo các Quyết định: số 47/2005/QĐ-BTC, ngày 14/7/2005; Số 32/2007/QĐ-BTC ngày 15/5/2007 và Thông tư số 72/2007/TT- BTC, ngày 27/06/2007 do Bộ Tài chính ban hành).

Ban QL-HNKeT là một Bộ phận nghiệp vụ, do VAA tuyển dụng và thành lập, không có đại diện của người Hành nghề Kế toán tham gia trong Bộ phận nghiệp vụ này do đó Ban QL-HNKeT không phải là một tổ chức nghề nghiệp kế toán chuyên nghiệp do những người Hành nghề Kế toán Việt Nam đề nghị thành lập. Vì vậy, Ban QL-HNKeT không thể đại diện cho tiếng nói chung của những người Hành nghề Kế toán và các đơn vị dịch vụ kế toán, hoạt động tại Việt Nam.

Thành lập Chi Hội Kế toán Hành nghề, trực thuộc VAA, là sự cần thiết tất yếu cho sự phát triển hành nghề kế toán Việt Nam trong giai đoạn hiện nay; Là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch hoạt động năm 2012 của VAA, đã được ghi vào Nghị Quyết Hội nghị BCH VAA lần thứ Năm, khóa IV ngày 14/ 02/2012 và Nghị Quyết Hội Nghị Ban Thường vụ VAA lần thứ Bảy, khóa IV.

Chi Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam, là một tổ chức nghề nghiệp kế toán chuyên nghiệp, do những người Hành nghề Kế toán và các đơn vị dịch vụ kế toán đang hoạt động tại Việt Nam đề nghị thành lập; Là tổ chức thành viên của VAA, do Hội nghị Ban BCH-VAA phê duyệt và Chủ tịch VAA ký quyết định thành lập số 218/HKT-VP ngày 11 tháng 12 năm 2012. 

 

Thay mặt những người Hành nghề Kế toán tại Việt Nam, xin chân thành cám ơn Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam (VAA) đã quan tâm đến sự phát triển Hành nghề Kế toán Việt Nam và đã có một Quyết định hết sức đúng đắn về việc cho phép những người hành nghề kế toán và các đơn vị dịch vụ kế toán, đang hoạt động tại Việt Nam thành lập Chi Hội Kế toán Hành nghề Việt Nam.

Xin chân thành cám ơn Ban tổ chức đã tạo mọi điều kiện để tôi được trình bày một số quan điểm mang tính chủ quan của cá nhân mình liên quan đến sự tất yếu phải có một tổ chức nghề nghiệp đúng nghĩa phục vụ cho những người hành nghề kế toán Việt Nam.

Xin chân thành cám ơn Quý vị Đại biểu, Quý vị Khách quý cùng toàn thể Anh/Chị/Em hành nghề kế toán trên cả nước đã chú ý lắng nghe! Tôi rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến để bài tham luận được hoàn thiện hơn.

 

Cuối cùng, xin kính Chúc Quý vị đại biểu, các vị Khách quý và toàn thể Hội nghị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt. Chúc một năm mới An Khang Thịnh Vượng, Vạn Sự Như Ý! Chúc Đại Hội thành công tốt đẹp!

 

Xin trân trọng cám ơn!

 

Người trình bày

Chung Thành Tiến

Giám đốc

Công ty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Tin liên quan