Xuất sai 1.000 hóa đơn phạt 1.000 hành vi hay chỉ phạt 01 hành vi và thêm tình tiết tăng nặng

Một bạn là hội viên Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng đã gửi cho Ban tư vấn câu hỏi

Em mong Ban tư vấn hỗ trợ giải đáp và làm rõ giúp em nội dung liên quan đến việc xử phạt đối với hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm.

Khái quát về công ty: Công ty ABC (“Côngty”) thành lập tháng 4/2022, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, mua trái cây như (Cam, bưởi, sầu riêng, thanh long, ổi…) từ các Doanh nghiệp/Nhà vườn/Hợp tác xã phục vụ chủ yếu xuất khẩu, và có bán trong nội địa.

Từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2023, toàn bộ công việc kinh doanh đều do Giám đốc, chủ doanh nghiệp đảm nhận.

Về công việc kế toán, Giám đốc giao cho 1 cá nhân thuê ngoài làm (bao gồm cả báo cáo thuế). Kế toán chỉ ghi nhận làm sổ kế toán theo những hóa đơn, chứng từ được Giám đốc gởi qua email/zalo, và xuất hóa đơn theo yêu cầu của Giám đốc.

Đến tháng 8/2023, công ty bắt đầu thuê 1 kế toán về làm việc toàn thời gian. Khi nhận bàn giao, kế toán xem lại toàn bộ hồ sơ kế toán từ thời điểm thành lập thì nhận thấy:

Trong tháng 6/2022, có 15 lô hàng bán ra trong nội địa, đã thu tiền, có đầy đủ hóa đơn chứng từ đầu vào cho 15 lô hàng đã bán này. Nhưng không xuất hóa đơn GTGT bán ra khi bán hàng.

Sau khi kiểm tra lại, thì công ty xuất 15 hóa đơn điện tử cho 15 lô hàng này tại thời điểm phát hiện, là ngày 18/08/2023 để ghi nhận doanh thu và kê khai thuế GTGT, và làm lại báo cáo tài chính 2022, Tờ khai Quyết toán thuế TNDN 2022, và nộp lại tờ khai thuế GTGT bổ sung Quý 2/2022.

Công ty hiểu rằng sẽ bị xử phạt về hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm, và nộp bổ sung tiền thuế, và tiền chậm nộp. Việc ghi nhận doanh thu, và khai thuế cho 15 hóa đơn này, thực hiện như sau:

  1. Về ghi sổ kế toán: Làm lại báo cáo năm 2022, hạch toán kế toán và ghi nhận doanh thu, thuế GTGT vào thời điểm phát sinh là tháng 6/2022.
  2. Về kê khai thuế:

– Đối với tờ khai quyết toán thuế TNDN, công ty thực hiện nộp bổ sung tờ khai quyết toán thuế TNDN, và nộp tiền thuế TNDN phát sinh tăng, đồng thời nộp tiền chậm nộp có phát sinh tính đến 18/8/2023.

– Đối với tờ khai thuế GTGT: Công ty làm lại tờ khai thuế GTGT bổ sung vào kỳ quý 2/2022, ghi nhận đầy đủ Doanh thu, thuế GTGT bán ra của 15 hóa đơn này. Và nộp thuế GTGT phát sinh + tiền chậm nộp. (Không thực hiện kê khai vào kỳ quý 3/2023).

Đến tháng 3/2024, Cơ quan thuế quản lý yêu cầu giải trình về việc chênh lệch doanh thu kê khai trên tờ khai quý 2/2022, và doanh thu trên hệ thống hóa đơn điện tử của Cơ quan thuế quý 2/2022. Nguyên nhân của việc chênh lệch đã được giải trình rõ ràng, vì 15 tờ hóa đơn xuất ngày 18/8/2023, sẽ không hiển thị trên hệ thống của cơ quan thuế vào quý 2/2022 mà sẽ hiển thị vào kỳ quý 3/2023.

Cơ quan thuế đang yêu cầu công ty lựa chọn 1 trong 2 phương án như sau:

Phương án 1: Công ty ghi nhận doanh thu và kê khai thuế cho 15 tờ hóa đơn xuất sai thời điểm vào tờ khai thuế quý 3/2023. Không kê khai vào kỳ quý 2/2022. Công ty sẽ bị xử phạt khi cơ quan thuế về thanh tra kiểm tra sau này.

Phương án 2: Giữ nguyên báo cáo, không điều chỉnh theo phương án 1. Công ty sẽ bị xử phạt lỗi xuất hóa đơn sai thời điểm cho từng tờ hóa đơn, với mức phạt là 4.000.000đ- 8.000.000đ/tờ, mức xử phạt cho 15 tờ là 60.000.000đ – 120.000.000đ.

Quan điểm cá nhân:

Về phương án 1: Yêu cầu của cơ quan thuế là chưa phù hợp. Do vậy, công ty sẽ không thực hiện theo phương án này, vì có nhiều rủi ro về sau cho Công ty.

Về phương án 2: Em từng được Ban tư vấn (bạn Thúy) trả lời trong chương trình tư vấn trực tuyến, câu trả lời là chỉ bị xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền theo 1 hành vi (căn cứ theo điều 1, Luật xử phạt VPHC (sửa đổi 2020). Tuy nhiên, em mong muốn được làm rõ hơn để có thể trao đổi với Cơ quan thuế. Em có 2 trường hợp hướng đến:

Trường hợp 1: chỉ xử phạt cảnh cáo theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 24, Nghị định 125/2020:

“a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;”

Trong tình tiết giảm nhẹ về vi phạm hành chính có đề cập các nội dung: “tự nguyện khắc phục hậu quả, tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi”

Vì bên em đã thực hiện xuất hóa đơn, và nộp thuế đầy đủ + tiền chậm nộp. Bên em có được xem xét áp dụng xử phạt cảnh cáo hay không?

Trường hợp 2:

Em có tìm hiểu thêm quy định về Luật xử phạt vi phạm hành chính 2020 (sửa đổi), và tham khảo bài viết của anh CHUNG THÀNH TIẾN trên facebook với tiêu đề “MỘT HÀNH VI VPPL NHIỀU LẦN, XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO? (đăng ngày 13/04/2023)”

Sẽ áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp có 01 hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm vào ngày 18/08/2023 và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm hành chính nhiều lần.

Với trường hợp 2: mức xử phạt là 8.000.000đ (theo điểm a, khoản 4, điều24, NĐ 125/2020).

Với khả năng hiểu biết rất hạn hẹp của mình, em rất mong nhận được ý kiến tư vấn của Ban tư vấn để em có thêm cơ sở để có thể làm việc với cơ quan thuế. Hiện họ đang hướng đến việc xử phạt từng tờ hóa đơn.

Trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe!

phat

NỘI DUNG TƯ VẤN                                                                                                                        

Trước tiên, tôi thay mặt Ban tư vấn Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng cảm ơn Anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho chúng tôi. Liên quan đến nội dung Anh hỏi, chúng tôi có ý kiến chia sẻ như sau:

  1. Về nguyên nhân và hậu quả

Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa của những sai sót này xuất phát từ chính tư duy xem thường công tác kế toán và người làm kế toán của các Ông/Bà chủ doanh nghiệp nói chung;

Thứ hai, chính người làm kế toán do chưa trang bị cho mình đủ kiến thức cần thiết, chưa xác định được giá trị bản thân, giá trị nghề nghiệp của mình nên vô hình trung đã tự biến mình thành công cụ tiếp tay cho các hành vi chưa phù hợp (làm kế toán theo yêu cầu);

Thứ ba, từ hai nguyên nhân trên sớm hay muộn cũng dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ thì vi phạm hành chính, lớn hơn chắc chắc là tội hình sự cho cả người làm kế toán và những ai gian lận, trốn thuế với bất kỳ lý do nào.

  1. Về kế toán

Mặc dù Anh không đề cập trong câu hỏi dành cho BTV và cũng không nêu rõ việc sai sót này có trọng yếu hay không, nhưng trong nội dung Anh trình bày về cách thức thực hiện Anh có đề cập đến việc làm lại sổ sách và báo cáo tài chính cho thời kỳ sai sót, chúng tôi cho rằng theo các quy định hiện hành liên quan đến kế toán thì việc làm lại sổ sách này là chưa phù hợp, Anh nên tham khảo theo hướng dẫn tại Chuẩn mực số 29 – Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán để thực hiện điều chỉnh sai sót cho phù hợp.

  1. Về kê khai, tính và nộp thuế

Theo nội dung Anh trình bày, chúng tôi nhận thấy Anh đã thực hiện đúng các nội dung hướng dẫn tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến điều chỉnh sai sót trong kê khai, tính thuế. Việc cán bộ thuế hướng dẫn như trong nội dung Anh trình bày, theo chúng tôi Anh chỉ nên tham khảo để biết và nhận định đúng sai chứ không phải cơ sở để thực hiện theo. Chúng tôi tin khi đã là Hội viên Chi hội, chắc chắn Anh sẽ tự tin thực hiện và bảo vệ quan điểm đúng đắn của mình trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý mà Chi hội luôn chia sẻ cho tất cả Hội viên trong suốt thời gian qua. Chúng tôi tin rằng Anh chắc chắn hiểu rõ điều đó nên chúng ta không bàn thêm về các phương án do cơ quan thuế yêu cầu trừ khi yêu cầu đó bằng văn bản.

Như vậy, theo câu hỏi của Anh, chúng tôi hiểu rằng chúng ta cần trao đổi 02 nội dung sau:

  • Hành vi vi phạm của Công ty có được áp dụng điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP không?
  • Hành vi vi phạm nhiều lần sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo từng hành vi hay xử phạt hành chính cho một hành vi và áp dụng tình tiết tăng nặng?

Nội dung thứ 1: Áp dụng hình thức phạt cảnh cáo

Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định:

“a) Lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ;”

Chưa bàn đến các điều kiện có hay không tình tiết giảm nhẹ, ngay trong nội dung Anh trình bày trên cũng đã có câu trả lời cho Anh rồi vì đã phát sinh nghĩa vụ thuế và cả tiền chậm nộp (“…nộp tiền thuế TNDN phát sinh tăng, đồng thời nộp tiền chậm nộp…” và “… nộp thuế GTGT phát sinh + tiền chậm nộp.”. Do đó, đối với vi phạm này Công ty không thể áp dụng hình thức phạt cảnh cáo theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Nội dung thứ 2: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm nhiều lần

Do hành vi vi phạm hành chính của Công ty mà Anh hỏi xảy ra vào năm 2022 thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung năm 2020. Do đó, Luật áp dụng trong trường hợp này là Luật xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung hoặc áp dụng Văn bản hợp nhất Luật số 20/VBHN-VPQH (sau đây gọi chung là Luật xử lý vi phạm hành chính) để áp dụng cho phù hợp.

Thứ nhất, để hiểu thấu đáo hơn nội dung này, chúng ta cần làm rõ các thuật ngữ liên quan được định nghĩa tại Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau:

  • Vi phạm hành chínhlà hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
  • Vi phạm hành chính nhiều lầnlà trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.

Căn cứ theo nội dung định nghĩa trên và theo nội dung trong câu hỏi, chúng tôi khẳng định trường hợp của Công ty Anh chính là hành vi vi phạm hành chính nhiều lần.

Thứ hai, phải hiểu rõ và thấu đáo các nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, trường hợp này là điểm d khoản 1 Điều 3, cụ thể như sau:

“d. Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng;

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, trường hợp của Công ty Anh chắc chắn là hành vi vi phạm hành chính nhiều lần nếu không được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng thì phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm.

Thứ ba, theo nội dung câu hỏi, chúng tôi hiểu rằng mong muốn của Anh cũng như bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào khi vi phạm hành chính đều muốn được áp dụng mức xử phạt thấp nhất. Như vậy, như trình bày phần Nội dung 1, Công ty Anh không thể áp dụng hình thức phạt cảnh cáo. Do đó, việc còn lại là phạt theo từng hành vi hay phạt cho 01 hành vi có tình tiết tăng nặng sẽ có lợi hơn để Anh đưa ra quyết định chọn lựa phù hợp và có lợi cho mình (Anh tham khảo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).

Nếu chọn hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo 01 hành vi có tình tiết tăng nặng, chúng tôi đề nghị Anh nghiên cứu cách thức áp dụng các quy định pháp luật như sau:

  • Áp dụng quy định về điều khoản loại trừ được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính;
  • Áp dụng quy định về tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm d và điểm l khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính;
  • Áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Chúng tôi tin, sau khi tham khảo các nội dung trên Anh sẽ tự tin áp dụng và bảo vệ tốt quan điểm của mình theo đúng quy định pháp luật. Qua đó, chứng minh và tự tin mình là một Hội viên của Chi hội Kế toán Hiểu đúng – Làm đúng.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi căn cứ theo nội dung Anh hỏi và trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhưng không phải là cơ sở pháp lý để áp dụng chung trong mọi trường hợp. Nếu các nội dung trao đổi này có điểm nào chưa phù hợp với câu hỏi, hoặc cần làm rõ thêm, Anh vui lòng liên hệ với chúng tôi.

Tài liệu tham khảo

  • Chuẫn mực kế toán số 29
  • Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi, bổ sung 2020
  • Nghị định 125/2020/NĐ-CP
  • Nghị định 126/2020/NĐ-CP
  • Thông tư 80/2021/TT-BTC

Tin liên quan