VPĐD thương nhân nước ngoài NẰM ở đâu trong văn bản thuế của Việt Nam?

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

VPĐD thương nhân nước ngoài (VPĐD) nằm ở đâu trong các văn bản thuế của Việt Nam?

 

Trước thực tế có rất nhiều Công văn hướng dẫn của cơ quan thuế liên quan đến việc xuất hóa đơn, kê khai, tính thuế GTGT, thuế TNDN trong trường hợp VPĐD có phát sinh thu nhập từ việc thanh lý tài sản cố định khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, sau khi tìm hiểu các văn bản pháp lý liên quan đến các nội dung hướng dẫn trên, tôi xin mạn phép nêu ra một vài điểm chưa phù hợp để Quý vị cùng tham khảo và trao đổi thêm.

 

1. Nếu nói rằng VPĐD khi phát sinh thu nhập từ thanh lý TSCĐ phải chịu thuế nhà thầu tính theo tỷ lệ % như một số văn bản hướng dẫn của cơ quan thuế thì chưa ồn vì:

 

Theo quy định tại khoản 1, điều 1, Thông tư 103/2014/TT-BTC liên quan đến đối tượng áp dụng thì:

"1. Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.

 

VPĐD là tổ chức nước ngoài nhưng không có chức năng kinh doanh tại Việt Nam do đó VPĐD không thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu theo quy định của Thông tư 103/2014/TT-BTC.

—> VPĐD có phát sinh thu nhập từ thanh lý TSCĐ cơ quan thuế không thể vận dụng Thông tư 103/2014/TT-BTC để tính thuế nhà thầu cho VPĐD.

 

2. Nếu nói rằng VPĐD phải chịu thuế theo quy định của luật thuế GTGT và luật thuế TNDN theo một số văn bản hướng dẫn khác cũng chưa ổn vì:

 

Theo quy định liên quan đến thuế GTGT tại khoản 3, điều 5, Thông tư 219/2014/TT-BTC hướng dẫn Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT thì:

"3. Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.

Ví dụ 16: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi  cho ông B với giá là 600 triệu đồng thì ông A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được."

Như vậy VPĐD thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo hướng dẫn của Thông tư 219/2014/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 209/2013/NĐ-CP về luật thuế GTGT.

 

Theo quy định liên quan đến thuế TNDN tại mục e, khoản 1, điều 2, Thông tư 78 liên quan đến người nộp thuế thì:

" e) Tổ chức khác ngoài các tổ chức nêu tại các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ, có thu nhập chịu thuế."

Như vậy mặc dù không rõ ràng nhưng cơ quan thuế hoàn toán có thể hiểu rằng VPĐD thuộc đối tượng quy định tại điểm này của Thông tư 78/2014/TT-BTC.

 

Theo đó, VPĐD có thu nhập chịu thuế thì sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của TT78/2014/TT-BTC và phải tính và nộp thuế TNDN theo quy định.

 

Nếu cho rằng VPĐD áp dụng theo quy định tại khoản 5, điều 3, Thông tư 78/2014/TT-BTC:

" …tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam,…" để áp dụng kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ CŨNG không đúng vì VPĐD là tổ chức hoàn toàn được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là theo luật Thương Mại.

 

Và đặc biệt là trong trường hợp này (Thanh lý TSCĐ), VPĐD hoàn toàn có đủ cơ sở để xác định được chi phí. Do đó, VPĐD không phải đối tượng để cơ quan thuế vận dụng điểm này khi tính thuế TNDN khi phát sinh thu nhập từ thanh lý TSCĐ.

 

Như vậy đối với thuế TNDN khi VPĐD thanh lý TSCĐ nếu cơ quan thuế muốn vận dụng để thu thuế thì chỉ còn trường hợp duy nhất là phải xác định được "THU NHẬP CHỊU THUẾ" theo quy định tại Điều 4, Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Thu nhập chịu thuế xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế

=

Doanh thu

Chi phí được trừ

+

Các khoản thu nhập khác

 

Vậy VPĐD khi thanh lý TSCĐ chỉ phải tính và nộp thuế TNDN khi và chỉ khi có phát sinh thu nhập chịu thuế.

 

3. Việc mua hóa đơn lẻ của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại khoản 1, điều 11, Thông tư 39/2014/TT-BTC liên quan đến "đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế" thì:

 

"1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:

a) Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).

Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác."

 

Theo quy định trên, cơ quan thuế chỉ bán hóa đơn cho "Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh và tổ chức này KHÔNG được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.".

 

Như vậy:

– VPĐD theo Luật Thương mại là tổ chức không có hoạt động kinh doanh và;

– VPĐD là tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Thương mại.

 

Do đó, VPĐD không thuộc đối tượng được mua hóa đơn lẻ của cơ quan thuế.

 

TỪ CÁC CƠ SỞ QUY ĐỊNH TRÊN CỦA BTC CHÚNG TA HOÀN TOÀN CÓ THỂ KẾT LUẬN RẰNG: VPĐD KHI CÓ PHÁT SINH THU NHẬP TỪ THANH LÝ TSCĐ KHÔNG THUỘC TRƯỜNG HỢP PHẢI XUẤT HÓA ĐƠN, KHÔNG KÊ KHAI, TÍNH VÀ NỘP THUẾ GTGT, CÓ TÍNH VÀ NỘP THUẾ TNDN KHI CÓ PHÁT SINH THU NHẬP CHỊU THUẾ.

 

—> CÁC CÔNG VĂN HƯỚNG DẪN CỦA CƠ QUAN THUẾ HOÀN TOÀN CHƯA PHÙ HỢP VỚI CÁC QUY ĐỊNH HIỆN HÀNH TRONG TRƯỜNG HỢP VPĐD CÓ PHÁT SINH THU NHẬP KHI THANH LÝ TSCĐ!?

 

Trên đây là nội dung chia sẻ mang tính chủ quan của cá nhân người viết có thể còn nhiều thiếu sót, chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa hiểu thấu đáo vấn đề khi áp dụng các quy định hiện hành của nhà nước, nhưng với mong muốn cùng trao đổi để giúp nhau hiểu rõ, hiểu đúng các chính sách pháp luật thuế, … rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp để bài viết được hoàn thiện hơn.

 

Tin liên quan