TRAO ĐỔI, CHIA SẺ MỘT SỐ ĐIỂM CHƯA PHÙ HỢP TRONG CHÍNH SÁCH THUẾ TẠI VIỆT NAM

TRAO ĐỔI, CHIA SẺ MỘT SỐ ĐIỂM CHƯA PHÙ HỢP TRONG CHÍNH SÁCH THUẾ TẠI VIỆT NAM

 

Ông Chung Thành Tiến – Giám đốc Cty TNHH DV Kế toán Đồng Hưng

Ủy viên BCH Trung Ương Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA

Ủy viên BCH Chi hội Kế toán Hành nghề Việt Nam – VICA

Trưởng Đại diện phía Nam – VICA

 

Với mục tiêu giúp người nôp thuế và các cá nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán, thuế có chuyên đề để cùng chia sẻ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ cho xã hội, từ hôm nay tôi sẽ nêu loạt bài mang tính chủ quan của cá nhân tôi liên quan đến việc ban hành, triển khai và vận dụng chính sách thuế nhà nước của các cơ quan thực thi pháp luật có thể ảnh hưởng đến thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Việt Nam. Đồng thời mong muốn được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, xem xét và có những thay đổi (nếu thấy phù hợp) để chính sách được hoàn thiện hơn, góp phần động viên người nộp thuế trong thời gian tới.

BÀI 1: VIỆC BAN HÀNH CHÍNH SÁCH THUẾ TẠI VIỆT NAM – VĂN BẢN NÀO CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CAO HƠN

Căn cứ theo Luật ban hành văn bản pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008 tại khoản 1, khoản 2, Điều 3 – Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nêu việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải:

1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. …

Như vậy tất cả các văn bản pháp luật (bao gồm cả Nghị định và Thông tư) phải đảm bảo thỏa mãn các nguyên tắc trên. Thế nhưng, trong thực tế khi triển khai các văn bản hướng dẫn Luật đã pháp sinh nhiều trường hợp mà cơ quan, đơn vị, cá nhân khi soạn thảo đã thường áp đặt ý kiến chủ quan của mình vào văn bản dẫn đến nội dung có thể sai lệch theo quy định của luật (phần lớn là theo chiều hướng có lợi cho phía soạn thảo).

Qua bài viết này, tôi xin mạn phép nêu cụ thể một vài trường hợp để chúng ta cùng suy ngẫm, trao đổi, chia sẻ, giúp hạn chế tối đa những sai sót do chưa hiểu thấu đáo về thuế (nếu có), …

I. Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006:

Tại Mục c, Khoản 2 Điều 78 – Kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thì:

" c) Thời hạn kiểm tra thuế không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp kiểm tra theo kế hoạch đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thì thời hạn không quá mười lăm ngày; và

Tại khoản 1, Điều 83 – Thời hạn thanh tra thuế thì:

"1. Thời hạn một lần thanh tra thuế không quá ba mươi ngày, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra thuế."

Trong đó, tại Điều 120 của Luật quản lý thuế có quy định: "Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều 9, 19, 27, 30, 31, 32, 42, 43, 49, 60, 62, 72, 76, 89, 90, 91, 99, 104, 105, 111 của Luật này và các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý thuế để thi hành Luật này."

Như vậy, Luật không yêu cầu cụ thể Chính phủ phải hướng dẫn các Điều 78 và Điều 83, nhưng được phép hướng dẫn "các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu quản lý thuế để thi hành Luật này". Điều đó có nghĩa rằng, Chính phủ vẫn có quyền hướng dẫn 02 Điều 78 & 83 trên nếu thấy cần thiết cho nhu cầu quản lý thuế.

Thế nhưng, khi ban hành Nghị định số 83/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ không có bất kỳ Điều, Khoản nào hướng dẫn nội dung quy định tại Điều 78 và Điều 83 của Luật quản lý thuế. Điều đó có nghĩa rằng các nội dung quy định tại 02 Điều trên của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã rõ không cần phải hướng dẫn.

Chúng ta cũng cần làm rõ thêm một nội dung là tại Điều 120 của Luật quản lý thuế KHÔNG quy định Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành mà chỉ có Chính phủ mới có thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật.

Thế nhưng (tôi lại phải dùng cái từ mà tôi vô cùng ghét), chúng ta cùng xem xét Thông tư 156/2013/TT-BCT ngày 06 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tài chính xem "ĐIỀU GÌ ĐÃ XẨY RA?"

THÔNG TƯ 156/2013/TT-BTC VỀ "HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ; LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ THUẾ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2013/NĐ-CP NGÀY 22/7/2013 CỦA CHÍNH PHỦ"

Ngay phần tiêu đề của Thông tư chúng ta đã thấy có vấn đề?

Theo ĐIỀU 120 của Luật quản lý thuế, Bộ Tài chính không có thẩm quyền hướng dẫn Luật. Như vậy, chỉ nhìn vào tiêu đề cũng đã nhận ra rằng Thông tư 156/2013/TT-BTC đã và sẽ hướng dẫn VƯỢT thẩm quyền (trực tiếp hướng dẫn LUẬT quản lý thuế).

Chính vì Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn cả Luật quản lý thuế nên đã phát sinh rất nhiều nội dung hướng dẫn mà Nghị định của Chính phủ không đề cập. Trong phạm vi bài này tôi chỉ trình bày nội dung hướng dẫn Điều 78 và Điều 83 của Luật quản lý thuế (Nghị định 83/2013/NĐ-CP không hướng dẫn 02 Điền này). Theo đó, nội dung hướng dẫn của Thông tư 156/2013/TT-BTC về thời hạn kiểm tra, thanh tra thuế tại doanh nghiệp như sau:

Điều 62. Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

"…Thời hạn kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế không quá 05 (năm) ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra…."

Điều 66. Trình tự, thủ tục thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế.

"d) Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 (bẩy mươi) ngày làm việc; do Thanh tra Cục thuế, Chi cục Thuế tiến hành không quá 30 (ba mười) ngày làm việc, trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày làm việc."

Từ 02 Điều hướng dẫn VƯỢT cấp trên, Bộ Tài Chính đã gắn quan điểm chủ quan có lợi cho cơ quan soạn thảo (trường hợp này cơ quan soạn thảo chính là Tổng cục thuế) bất chất sai cả Luật quản lý thuế. Cụ thể như sau:

1. Tại Điều 62 của Thông tư 156/2013/TT-BTC (Thông tư hướng dẫn trực tiếp Luật quản lý thuế), cơ quan soạn thảo đã tự ý thêm vào 02 chữ "thực tế". Theo quy định tại khỏan 1, Điều 8 Thông tư 156 thì không có bất kỳ định nghĩa nào liên quan đến ngày làm việc "thực tế" nhưng khi triển khai kiểm tra cán bộ thuế đã vận dụng nội dung này một cách TRIỆT ĐỂ cụ thể khi kiểm tra tại doanh nghiệp cán bộ thuế có thể làm việc 01 ngày sau đó nghỉ một đến vài tuần xen kẻ rồi tiếp tục đến làm việc tiếp đến khi nào cộng lại tất cả thời gian có mặt tại doanh nghiệp đủ 05ngày làm việc.

2. Tại Điều 66 của Thông tư 156/2013/TT-BTC (Thông tư hướng dẫn trực tiếp Luật quản lý thuế), cơ quan soạn thảo đã tự ý thêm vào "Thời hạn thanh tra thuế do Tổng cục Thuế tiến hành không quá 45 ngày làm việc" vượt thời gian quy định trong Luật.

II. LUẬT THUẾ TNDN:

Luật này có quá nhiều nội dung cần trao đổi. Tuy nhiên trong bài viết này, tôi chỉ trình bày một nội dung để Quý vị cùng suy ngẫm.

Tại Mục i, Khoản 2, Điều 9: Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

" i) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; thù lao trả cho sáng lập viên doanh nghiệp không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh; tiền lương, tiền công, các khoản hạch toán chi khác để chi trả cho người lao động nhưng thực tế không chi trả hoặc không có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật;"

Theo quy định trên của Luật thuế TNDN thì tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là chi phí được trừ.

Tại Mục m, khỏan 2, Điều 9, Nghị định 218/2013 hướng dẫn Luật thuế TNDN thì:

"m) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân; chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ), thù lao trả cho thành viên sáng lập doanh nghiệp mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh;"

Theo quy định của Nghị định 218/2013/NĐCP thì tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) chỉ được trừ khi người này CÓ trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

Tại mục d, khoản 2.5, Điều 6 của Thông tư 78/2014 hướng dẫn tiền lương chủ DNTN, chủ Cty TNHH MTV thì:

" d) Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh."

Theo quy định của Thông tư 78/2014/TT-BTC thì tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) là khoản chi không được trừ với bất kỳ lý do nào.

Như vậy khi đọc các văn bản trên ai cũng nhận thấy rằng, cùng một nội dung là chi phí lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) nhưng hướng dẫn tại 03 văn bản đều khác nhau và nghiêm trọng hơn trong trường hợp này Thông tư lại hướng dẫn TRÁI LUẬT. cụ thể như sau:

– Luật thuế TNDN, tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được trừ nếu thỏa mãn các quy định tại Khoản 1, Điều 9;

– Nghị định 218/2013/NĐ-CP, ngoài việc phải thỏa mãn quy định tại Khoản 1, tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ) còn phải thỏa mãn điều kiện là người này CÓ trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.

– Thông tư 78/2014/TT-BTC, tiền lương của chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được trừ trong mọi trường hợp.

Câu hỏi đặt ra là:

1. Việc vận dụng ngày làm việc "thực tế" của các cơ quan thuế địa phương khi tiến hành kiểm tra tại doanh nghiệp như vậy có đúng quy định, tinh thần và đạo lý của Luật quản lý thuế đã được Quốc Hội thông qua không?

2. Thông tư hướng dẫn trực tiếp Luật có đúng quy tại khoản 1, khoản 2, Điều 3 – Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Luật ban hành văn bản pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ ba thông qua ngày 03 tháng 06 năm 2008 không?

3. Nếu việc ban hành Thông tư có những nội dung trái hoặc chưa được quy định trong Luật và chưa đúng với Nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì có giá trị pháp lý không?

4. Thiệt hại (nếu có) cho doanh nghiệp trong trường hợp cơ quan thực thi pháp luật vận dụng văn bản trái Luật ai chịu trách nhiệm?

5. Trong 03 văn bản về thuế TNDN trên mỗi văn bản hướng dẫn doanh nghiệp 01 kiểu, vậy doanh nghiệp muốn làm đúng thì làm như thế nào?

Trên đây là nội dung chia sẻ mang tính chủ quan của cá nhân người viết có thể còn nhiều thiếu sót, chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa hiểu thấu đáo vấn đề khi áp dụng các quy định hiện hành của nhà nước, nhưng với mong muốn cùng trao đổi để giúp nhau hiểu rõ, hiểu đúng các chính sách pháp luật, … rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp để bài viết được hoàn thiện hơn.

 

Tin liên quan