Thuế Môn bài cá nhân cho thuê nhà

Liên quan đến việc nộp thuế môn bài đối với "Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê", đang có nhiều quan điểm trái chiều khi cơ quan thuế cho rằng phải nộp thuế Môn bài, người nộp thuế cho rằng không thuộc đối tượng nộp thuế môn bài, nhưng nói thì cứ nói – thu thì vẫn cứ thu!?.

Ai đúng, ai sai?

 

Chúng ta bắt đầu tìm hiểu trên cơ sở các văn bản pháp lý liên quan đến thuế môn bài đang được áp dụng hiện hành qua đó sẽ trả lời được câu hỏi trên một cách thấu đáo nhất.

Định nghĩa về thuế môn bài: "Thuế môn bài là một sắc thuế trực thu và thường là định ngạch đánh vào GIẤY PHÉP KINH DOANH (môn bài) của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh."

Đặc điểm: "Thuế môn bài được thu hàng năm. Mức thu phân theo bậc, dựa vào số vốn đăng ký hoặc doanh thu của năm kinh doanh kế trước hoặc giá trị gia tăng của năm kinh doanh kế trước tùy từng nước và từng địa phương…."

 

Thuê môn bài ở nước ta hiện nay thực hiện theo các văn bản sau:

Nghị định 75/2002/NĐ-CP;

Thông tư 96/2002/TT-BTC;

Thông tư 42/2003/TT-BTC;

Thông tư 60/2007/TT-BTC; hoặc

Đọc cái Thông tư hợp nhất Số: 33/VBHN-BTC.

Mẫu biểu thì theo Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Theo đó:

Nghị định 75/2002/NĐ-CP:

1. Các tổ chức kinh doanh nộp thuế môn bài theo 4 mức: 3.000.000 đồng, 2.000.000 đồng, 1.500.000 đồng, 1.000.000 đồng.

2. Hộ cá thể kinh doanh nộp thuế môn bài theo 6 mức: 1.000.000 đồng, 750.000 đồng, 500.000 đồng, 300.000 đồng, 100.000 đồng, 50.000 đồng.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể căn cứ tính thuế môn bài áp dụng cho các tổ chức kinh doanh và hộ cá thể kinh doanh theo các mức trên.

Thông tư 96/2002/TT-BTC

1- Các tổ chức kinh doanh nộp thuế Môn bài theo 4 mức bao gồm:

a – Thuế Môn bài nộp theo mức thống nhất 3.000.000 đồng một năm đối với các cơ sở kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập gồm: Các doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài có kinh doanh tại Việt nam, các cơ sở kinh tế của cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, lực lượng vũ trang và tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập khác.

b – Thuế Môn bài nộp theo mức 2.000.000 đồng một năm đối với các cơ sở kinh doanh là chi nhánh, cửa hàng cửa hiệu hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ và các tổ hợp sản xuất kinh doanh.

c – Thuế Môn bài nộp theo mức 1.500.000 đồng một năm đối với Các Hợp tác xã ( trừ các HTX qui định ở tiết d điểm này ).

d – Thuế Môn bài nộp theo mức 1.000.000 đồng một năm đối với:

– Các HTX hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, HTX làm muối, HTX đánh bắt hải sản, HTX tín dụng.

– Các cơ sở kinh doanh quy định tại tiết b, c điểm này nếu có các cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ… ở các địa điểm khác không cùng địa điểm của cơ sở thì mỗi cửa hàng, quầy hàng, cửa hiệu, điểm kinh doanh dịch vụ … phải nộp thuế Môn bài theo mức 1.000.000 đồng một năm.

2 – Các đối tượng khác, hộ kinh doanh cá thể nộp thuế Môn bài theo 6 mức bao gồm:

– Hộ sản xuất kinh doanh cá thể.

– Người lao động trong các Doanh nghiệp (Doanh nghiệp NQD, Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN…) nhận khoán tự trang trải mọi khoản chi phí, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh.

– Nhóm người lao động thuộc các Doanh nghiệp nhận khoán cùng kinh doanh chung thì nộp chung thuế Môn bài theo qui định tại điểm 1.d nêu trên. Trường hợp nhóm cán bộ công nhân viên, nhóm người lao động nhận khoán nhưng từng cá nhân trong nhóm nhận khoán lại kinh doanh riêng rẽ thì từng cá nhân trong nhóm còn phải nộp thuế môn bài riêng.

– Các cơ sở kinh doanh trên danh nghĩa là Doanh nghiệp nhà nước, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật ĐTNN, các Công ty cổ phần, Công ty TNHH… nhưng từng thành viên của đơn vị vẫn kinh doanh độc lập, chỉ nộp một khoản tiền nhất định cho đơn vị để phục vụ yêu cầu quản lý chung thì thuế Môn bài thu theo từng thành viên.

Riêng xã viên, nhóm xã viên HTX ( gọi chung là xã viên HTX ) nhận nhiệm vụ HTX giao nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại tiết c điểm 1 phần II của Thông tư số 44/1999/TT-BTC ngày 26 tháng 4 năm 1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn về ưu đãi thuế đối với Hợp tác xã, thì không phải nộp thuế Môn bài riêng; nếu không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định thì phải nộp thuế Môn bài riêng.

 

Thông tư 42/2003/TT-BTC

"Các tổ chức kinh tế bao gồm:

– Các Doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Doanh nghiệp tư nhân, Doanh nghiệp hoạt động theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức, đơn vị sự nghiệp khác và tổ chức kinh doanh hạch toán kinh tế độc lập khác;

– Các Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã và các Quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là các HTX);

– Các cơ sở kinh doanh là chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu (thuộc công ty hoặc thuộc chi nhánh)… hạch toán phụ thuộc hoặc báo sổ được cấp giấy chứng nhận (đăng ký kinh doanh), có đăng ký nộp thuế, và được cấp mã số thuế ( loại 13 số );

Các tổ chức kinh tế nêu trên nộp thuế Môn bài căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư

Quy định về kê khai thuế môn bài, theo Luật quản lý thuế hợp nhất số 03/VBHN-VPQH

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.

 

Điều 30. Nguyên tắc khai thuế và tính thuế

1. Người nộp thuế phải khai chính xác, trung thực, đầy đủ các nội dung trong tờ khai thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định và nộp đủ các loại chứng từ, tài liệu quy định trong hồ sơ khai thuế với cơ quan quản lý thuế.

2. Người nộp thuế tự tính số thuế phải nộp, trừ trường hợp việc tính thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3.21 Việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và sự thống nhất giữa cơ quan thuế và người nộp thuế theo thỏa thuận đơn phương, song phương và đa phương giữa cơ quan thuế, người nộp thuế và cơ quan thuế các nước, vùng lãnh thổ có liên quan.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Như vậy, Chính phủ sẽ hướng dẫn việc kê khai và tính thuế trong từng trường hợp cụ thể:

Điều 18. Khai thuế môn bài

1. Khai thuế môn bài như sau:

a) Khai thuế môn bài một lần khi người nộp thuế mới ra hoạt động kinh doanh chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động kinh doanh. Trường hợp người nộp thuế mới thành lập cơ sở kinh doanh nhưng chưa thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh thì phải khai thuế môn bài trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

b) Khai thuế môn bài theo năm trong trường hợp có sự thay đổi về mức thuế môn bài phải nộp.

2. Hồ sơ khai thuế môn bài là tờ khai thuế môn bài.

Điều 111. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao tại Nghị định.

 

Theo Điều 18 và Điều 111 của Nghị định liên quan đến khai thuế môn bài, Chính phủ không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn và theo quy định của Nghị định thì Hộ gia đình, cá nhân (không kinh doanh) không phải kê khai, tính, nộp thuế môn bài.

 

Nhưng thực tế tại điều 22 của Thông tư hướng dẫn quản lý thuế:

 

Điều 22. Khai thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê

1. Nguyên tắc khai thuế

Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế GTGT, thuế TNCN và nộp thuế môn bài theo thông báo của cơ quan thuế.

 

Đọc toàn bộ các quy định liên quan đến thuế môn bài, chúng ta hoàn toàn không thấy bất kỳ chỗ nào nói rằng cá nhân không kinh doanh cho thuê nhà là đối tượng chịu thuế. Luật quản lý thuế, Nghị định của Chính phủ cũng không có điểm nào đề cập đến đối tượng này phải kê khai, tính, nộp thuế môn bài. Đặc biệt Nghị định cũng hoàn toàn không có nội dung nào giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn liên quan đến kê khai, tính thuế môn bài. Như vậy, việc Bộ Tài chính thêm vào nội dung "Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế môn bài theo thông báo của cơ quan thuế" là hoàn toàn không phù hợp nếu không nói là trái và theo qui định của Luật ban hành văn bản pháp luật 2015, trường hợp hướng dẫn của Bộ Tài chính liên quan đến cá nhân không kinh doanh cho thuê nhà phải kê khai, tính, nộp thuế môn bài là hoàn toán không có giá trị pháp lý.

 

Thế nhưng, trong thời gian qua hầu hết các cơ quan thuế trên phạm vi cả nước đều ban hành các Công văn hướng dẫn Hộ gia đình, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc đối tượng phải khai, nộp thuế môn bài!? Các văn bản này chủ yếu căn cứ vào Điều 22 của Thông tư hướng dẫn quản lý thuế (một nội dung hoàn toàn trái Luật) để buộc Cá nhân cho thuê nhà phải nộp thuế.

– Thông tư của Bộ Tài chính có quyền bổ sung quy định các đối tượng phải khai, nộp thuế của Luật quản lý thuế sao!?

– Thông tư của Bộ Tài chính có quyền bổ sung cả Nghị định Chính phủ về đối tượng chịu thuế Môn bài sao!?

 

Theo quan điểm cá nhân có phần chủ quan của người viết, tôi cho rằng việc hướng dẫn và bắt nộp thuế môn bài trong trường hợp này là chưa phù hợp với ý nghĩa của sắc thuế, chưa phù hợp với các văn bản pháp lý hiện hành về thuế môn bài. Đề nghị cơ quan thuế cần xem xét thấu đáo, hợp tình, hợp lý,… không nên vì mục tiêu tạo nguồn thu mà bất chấp mọi đạo lý như đã và đang diễn ra trong thời gian qua! hoặc nên có kiến nghị sửa đổi. bổ sung đối tượng chịu thuế môn bài đã được quy định trong các văn bản hiện hành.

 

Trên đây chỉ là ý kiến cá nhân, có phần chủ quan của người viết và sự hiểu biết đôi khi cũng trong giới hạn cho phép, hoàn toàn không thể tránh khỏi sai sót do chưa có đủ thông tin liên quan,… rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ ACE làm nghề để cùng giúp nhau "Hiểu đúng – Làm đúng" tuân thủ tốt các qui định của pháp luật, đồng thời cũng thông qua ý kiến đóng góp của ACE hy vọng sẽ được cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các qui định (nếu cần).

 

CTT 

Tin liên quan