Tăng cường kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán

Cần thiết phải thay thế

Thị trường chứng khoán đã hình thành và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Để ổn định thị trường này, một trong những biện pháp không thể thiếu là sự kiểm soát từ bên ngoài đối với chất lượng hoạt động kiểm toán để đảm bảo việc cung cấp thông tin trung thực. Từ năm 1998, Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc kiểm tra đối với công ty kiểm toán. Năm 2007, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định 32/2007/QĐ-BTC (Quyết định 32) về Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Quy chế này dù có những ưu điểm đáng kể, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập làm cho việc kiểm soát chất lượng không phát huy tác dụng đầy đủ, cần thiết phải có sự bổ sung thay thế cho phù hợp.

Theo ông Bùi Văn Mai – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký VACPA, sau khi Luật Kiểm toán độc lập (KTĐL) chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2012, các văn bản trước đó đều phải ban hành lại hoặc sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bên cạnh đó việc Luật KTĐL ra đời cũng yêu cầu nâng cao hơn nữa về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, đặc biệt là về vấn đề CLDV. Chính vì vậy việc ban hành thông tư thay thế cho Quyết định 32 vào lúc này là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, theo ý kiến từ nhiều công ty KTĐL, nhiều điểm trong Quyết định 32 không còn phù hợp. Ví dụ như thời gian kiểm soát CLDV ở một công ty kiểm toán, theo Quyết định 32 quy định kiểm tra định kỳ 3 năm một lần là chưa sát với thực tế. Những công ty đã bảo đảm CLDV tốt thì 3 năm kiểm tra một lần cũng không thật cần thiết, trong khi các công ty kiểm tra không đạt yêu cầu thì phải đợi 3 năm sau mới được kiểm tra tiếp cũng không thể giải quyết được kịp thời các vấn đề còn yếu kém. Chính vì vậy cần thiết phải có quy định thời hạn cụ thể theo kết quả kiểm tra. Công ty đạt yêu cầu hoặc chất lượng dịch vụ tốt (xếp loại A,B,C) có thể là 3 đến 5 năm kiểm tra một lần, còn đối với công ty yếu kém (xếp loại D,Đ) thì có thể sau 1 năm đã phải kiểm tra xem đã có chuyển biến chưa. Có như vậy thì việc kiểm soát CLDV mới là kịp thời và thực sự đem lại hiệu quả tích cực.

Hơn nữa, Quyết định 32 quy định Bộ Tài chính ủy quyền cho Hội nghề nghiệp thực hiện tất cả các cuộc kiểm tra CLDV và báo cáo với Bộ Tài chính. Theo ý kiến các chuyên gia, như vậy chức năng quản lý nhà nước trong việc kiểm soát CLDV kế toán, kiểm toán là chưa cao, cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Các chuyên gia cũng cho rằng nên quy định thêm Bộ Tài chính phải cử nhân sự trực tiếp tham gia các đoàn kiểm tra các công ty KTĐL đủ điều kiện kiểm toán các đơn vị có lợi ích công chúng (các công ty niêm yết, công ty cổ phần).

Nên tách làm 2 Thông tư riêng biệt

Theo ông Bùi Văn Mai, quá trình xây dựng dự thảo thông tư đã đặt ra 2 vấn đề chung. Thứ nhất là việc nên ban hành 1 thông tư quy định về kiểm soát CLDV chung cho cả kế toán, kiểm toán hay tách làm 2 thông tư riêng cho mỗi loại dịch vụ. Qua thực tế, VACPA cũng nhận thấy nên tách bạch làm 2 thông tư riêng, bởi vì yêu cầu nội dung cho mỗi loại hình dịch vụ là khác nhau. Hơn nữa việc đánh giá đối với dịch vụ kiểm toán đã có quy trình, cách thức cụ thể nên thực hiện thuận lợi hơn. Dịch vụ kế toán lại khác, những dịch vụ như thuê giữ sổ kế toán hoặc làm kế toán trưởng, tư vấn kế toán, đào tạo kế toán… hiện chưa có những quy định, tiêu chí cụ thể về chất lượng nên rất khó đánh giá. Ngay trong Quyết định 32 cũng có tới 2/3 nội dung đề cập đến đánh giá CLDV kiểm toán, nên nếu để chung vào 1 thông tư thì khó có thể làm nổi bật các tiêu chí đánh giá CLDV kế toán. Hơn nữa, dự kiến trong 2-3 năm tới Luật Kế toán mới có sửa đổi. Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chỉ nên ban hành 1 thông tư thay thế Quyết định 32 về kiểm soát CLDV kiểm toán, còn kiểm soát CLDV kế toán nên giữ nguyên, đợi sau khi Luật Kế toán sửa đổi thì ban hành, tránh việc vừa ban hành lại phải sửa đổi theo luật mới.

Bên cạnh đó, trách nhiệm kiểm soát CLDV kế toán, kiểm toán giữa Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần phải có quy định rõ ràng. Tại Nghị định 17/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KTĐL cũng mới quy định chung chung: Hội nghề nghiệp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc kiểm soát CLDV (Bộ Tài chính là người chủ trì), tuy nhiên trên thực tế 6 năm vừa qua, Bộ Tài chính đều chuyển giao hết cho Hội nghề nghiệp làm việc này. Chính vì vậy, trong thông tư này VACPA cũng kiến nghị nên quy định rõ ràng Hội nghề nghiệp sẽ tham gia với vai trò như thế nào trong việc kiểm soát CLDV kế toán, kiểm toán – là người chủ trì hay giúp việc cho Bộ Tài chính.

Cũng theo thông tin từ VACPA, dự thảo thông tư lần này cũng sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa tiêu chuẩn thành viên đoàn kiểm tra. Theo đó, thành viên đoàn kiểm tra phải có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ hành nghề kế toán (nếu kiểm tra dịch vụ kế toán) từ 5 năm trở lên và có kinh nghiệm tương đương cấp trưởng phòng kiểm toán. Trưởng đoàn kiểm tra phải có 7 năm hoặc 10 năm kinh nghiệm là lãnh đạo Hội nghề nghiệp, lãnh đạo cấp Vụ hoặc lãnh đạo công ty kiểm toán.. Đặc biệt, dự thảo thông tư mới cũng đề xuất thành lập Hội đồng chuyên môn tham vấn cho Bộ Tài chính hoặc Hội nghề nghiệp trong trường hợp có sự bất đồng giữa đoàn kiểm tra với đơn vị được kiểm tra./.

(Theo Báo Kiểm toán)

Tin liên quan