Nghị định 41/2020/NĐ-CP

MỘT SỐ ĐIỂM CẦN CHÚ Ý KHI ÁP DỤNG GIA HẠN THUẾ NĂM 2020

1. Nghĩa vụ NS nào được gia hạn?

Không phải tất cả các khoản thuế hay nghĩa vụ NS nào phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đều được gia hạn nộp thuế mà chỉ được gia hạn đối với các loại cụ thể sau:
– Thuế GTGT;
– Thuế TNDN;
– Thuế TNCN nhưng không phải tất cả (xem bên dưới); và 
– Tiền thuê đất.

2. Đối tượng nào được áp dụng?

 Không phải tất cả doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế đều được gia hạn mà chỉ có các đối tượng cụ thể được quy định tại khoản 1&2 và các Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mới được phép gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất (Cần tra cứu kỹ trước khi áp dụng để tránh bị xử phạt chậm nộp về sau).

Sau khi đọc Điều 2 của Nghị định này, cá nhân tôi nhận thấy có vấn đề với việc giới hạn này. Khi áp dụng vào thực tế chắc chắn sẽ gặp vướng mắc và nhiều trường hợp các NNT gặp khó khăn thật sự nhưng sẽ không được hỗ trợ,…

Lấy 01 VD liên quan đến ngành nghề mà NĐ nêu cho gia hạn đối với "sản xuất trang phục" nếu tra với danh mục tại QĐ 27/2018/QĐ-TTg thì Nhóm này chỉ chi tiết ra có 03 ngành chính:
– May trang phục (trừ trang phục từ da lông thú)
– Sản xuất sản phẩm từ da lông thú
– Sản xuất trang phục dệt kim, đan móc

====> Hiện nay, doanh nghiệp đang mất đơn hàng, đóng cửa nhiều nhất lại là các doanh nghiệp gia công hàng may mặc do thị trường Mỹ, Châu Âu, Hàn Quốc,… tạm dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, NĐ chỉ cho gia hạn "sản xuất trang phục", vậy thì các đơn vị may gia công sẽ không được áp dụng gia hạn trừ khi thuộc doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ!?
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là những DN nào?

 

Để biết doanh nghiệp mình có thuộc đối tượng được giãn tiền nộp thuế hay không, Quý vị phải tra cứu các định nghĩa tại Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật số 04/2017 trước khi áp dụng nhé!

Theo quan điểm cá nhân tôi, để chính sách hỗ trợ được đến đúng với đối tượng bị ảnh hưởng lẽ ra khi soạn thảo NĐ này, cơ quan soạn thảo không nên gói gọn đối tượng mà nên có hướng mở để dễ tháo gỡ vướng mắc (nếu có) về sau.

3. Được gia hạn các kỳ tính thuế nào?
Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế bị ảnh hưởng của dịch bệnh, không áp dụng cho các nghĩa vụ thuế, tiền thuê đất phát sinh của các giai đoạn trước.
Trong đó, người nộp thuế phải đặc biệt chú ý các quy định cụ thể sau:

– Đối với thuế GTGT:
+ Không gia hạn đối với thuế GTGT phát sinh ở khâu nhập khẩu;
+ Đối với DN kê khai tháng, việc gia hạn chỉ được áp dụng đối với nghĩa vụ thuế phát sinh từ tháng 3/2020 – tháng 6/2020;
+ Đối với DN kê khai Quý, việc gia hạn nộp thuế được tính cho cả 02 quý (Quý 1 và Quý 2 năm 2020);

Sở dĩ có sự khác biệt giữa khai tháng và khai quý là vì các DN kê khai tháng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế các tháng 01/2020 và 02/2020 nên không gia hạn. DN kê khai Quý thì Quý 1/2020 vẫn còn trong thời hạn nộp thuế nên được gia hạn thuế theo NĐ.
+ Thời gian được gia hạn là 05 tháng kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ thuế phải nộp (xem chi tiết trong Nghị định);
+ Trường hợp điều chỉnh hồ sơ khai thuế đối với khoản thuế phát sinh TRONG thời điểm được gia hạn (nếu vẫn nằm trong thời hạn được gia hạn) làm phát sinh TĂNG số thuế phải nộp cũng được gia hạn như trường hợp phát sinh;
+ Các chi nhánh phụ thuộc khác địa phương nếu thuộc lĩnh vực được gia hạn cũng được gia tương tự như trên.

– Đối với thuế TNDN:
+ Thời gian gia hạn cũng là 05 tháng;
+ Thuế TNDN được gia hạn bao gồm thuế TNDN phát sinh còn phải nộp theo báo cáo quyết toán năm 2019 (Tổng số thuế phải nộp của năm 2019 – Thuế TNDN đã tạm nộp trong năm 2019);
+ DN đã hoàn thành nghĩa vụ thuế theo quyết toán 2019 sẽ được bù trừ với các loại thuế khác phát sinh trong kỳ không được gia hạn (kể cả phần nợ thuế trước đó nếu có);

– Đối với thuế TNCN:

Chú ý: Chỉ áp dụng cho hộ gia đình và cá nhân kinh doanh, không áp dụng cho cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương hay các khoản thu nhập khác (nếu có).

 

Theo quan điểm cá nhân tôi, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng toàn bộ đến người dân cả nước nói chung, Chính phủ nên gia hạn luôn cho cá nhân có thu nhập từ tiền công, tiền lương hay các khoản thu nhập khác sẽ phù hợp hơn!
+ Chỉ được gia hạn đối với các lĩnh vực kinh doanh được quy định tại khoản 1&2, điều 2, không phải tất cả. Do đó, khi áp dụng phải hết sức cẩn thận, tra cứu kỹ lưỡng lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của mình để tránh phát sinh tiền chậm nộp (do áp dụng chưa đúng) về sau.
+ Số thuế được gia hạn là toàn bộ nghĩa vụ thuế phát sinh trong năm 2020 (bao gồm cả thuế GTGT và thuế TNCN);
+ Thời gian được gia hạn đến ngày 14/12/2020.
– Đối với tiền thuê đất:
Để áp dụng việc gia hạn này, DN, tổ chức, cá nhân phải hết sức chú ý thoả mãn các nội dung sau:
+ Phải thuê đất trực tiếp từ Nhà nước;
+ Tiền thuê đất phải trả hàng năm;
+ Có mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2;
+ Riêng DN nhỏ và siêu nhỏ được gia hạn toàn bộ;
+ Số tiền thuê đất được gia hạn là số phải nộp kỳ đầu năm 2020 của doanh nghiệp;
+ Thời gian là 05 tháng tính từ 31/5/2020.

 

CHÚ Ý:
– Doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Nghị định này thì được gia hạn toàn bộ;
– Có nhiều hợp đồng, Quyết định thuê đất khác nhau thì chỉ chỉ được gia hạn đối với hợp đồng, Quyết định thuê đất cho lĩnh vực kinh doanh quy định tại khoản 1&2, điều 2.

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC:

Trước khi áp dụng, cần đọc và tra cứu kỹ các quy định liên quan để hạn chế rủi ro phát sinh (nếu có) vì:
Theo quy định thì NNT phải tự xác định, tự chịu trách nhiệm về việc gia hạn này, cơ quan thuế chỉ thông báo khi phát hiện trường hợp gia hạn không đúng quy định khi đấy NNT phải chịu tiền chậm nộp nếu còn trong thời hạn gia hạn; Nộp thuế thiếu, phạt và chậm nộp nếu hết thời gian gia hạn mà cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Nghị định này có hiệu lực ngay khi ký, không giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn thêm mà chỉ hướng dẫn khi triển khai có vướng mắc phát sinh.

Trên đây là một số tóm tắt theo sự hiểu biết có hạn của cá nhân người viết dựa theo bản dự thảo BTC đang trình Chính phủ phê duyệt (Nếu có thay đổi sẽ cập nhật sau), không phải là tất cả cũng không có giá trị pháp lý. Do đó, ACE đồng nghiệp của tôi khi đọc cần tham khảo thêm Nghị định và góp ý kiến giúp nếu những nội dung tôi chia sẻ trên chưa phù hợp.

Xin chân thành cảm ơn và kính chúc Tất cả sớm hoàn thành công việc của mình! 

Xem toàn nộ nội dung Nghị định tại:


NGHỊ ĐỊNH 41/2020/NĐ-CP

 

Tin liên quan