Một số chính sách có hiệu lực trong tháng 11

Lĩnh vực Tài chính

Thông tư 128/2013/TT-BTC ban hành nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK) và phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xác định trước trị giá hải quan được áp dụng từ ngày 1/11.

Theo đó, các trường hợp, điều kiện xác định trước trị giá bao gồm: Xác định trước phương pháp xác định trị giá tính thuế, các khoản điều chỉnh cộng, điều chỉnh trừ, áp dụng đối với hàng hóa XNK nếu tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước trị giá chưa từng XNK hàng hóa giống hệt với hàng hoá đó.

Theo Thông tư 91/2013/TT-BTC, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam nếu rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng không khắc phục được và có lỗ gộp dưới 50% vốn điều lệ sẽ buộc phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian tối đa 02 năm.

Ngoài ra, chi nhánh cũng tạm ngừng hoạt động nếu tự nguyện tạm ngừng với điều kiện đã thanh lý hết các hợp đồng kinh tế liên quan tới nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán.

Cũng theo Thông tư, chi nhánh tại Việt Nam không được huy động vốn tại Việt Nam để quản lý dưới mọi hình thức, chỉ được quản lý tài sản huy động từ nước ngoài, bao gồm cả tài sản phát sinh tại Việt Nam được hình thành từ nguồn vốn huy động ở nước ngoài.

Theo Thông tư 127/2013/TT-BTC, từ ngày 01/11, Lệ phí Cấp giấy đăng ký và biển số tạm thời áp dụng chung cho các loại xe ô tô và xe máy cho cả 3 khu vực là 50.000 đồng.

Trước đây, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm theo biển số tạm thời cho xe ô tô con dưới 10 chỗ ngồi không hoạt động kinh doanh vận tải khách là từ 02 đến 20 triệu đồng/khu vực I, 01 triệu/khu vực II và 200.000 đồng/khu vực III.

Từ ngày 01/11/2013, theo Nghị định103/2013/NĐ-CP, hành vi chế biến các loài thủy sản trong danh mục cấm khai thác sẽ bị phạt tiền đến 80 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm; trước đây, mức phạt tối đa chỉ là 20 triệu đồng.

Đối với tổ chức có hành vi xây dựng cơ sở chế biến thủy sản trái phép sẽ bị phạt đến 140 triệu, đồng thời buộc tháo dỡ công trình vi phạm.

Mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm trong hoạt động thủy sản theo Nghị định mới này sẽ tăng gấp 5 lần so với quy định cũ.

Lĩnh vực lao động, việc làm

Từ ngày 1/11, Nghị định 102/2013/NĐ-CP bổ sung thêm 04 nhóm đối tượng lao động nước ngoài được làm việc tại Việt Nam, bao gồm: Tình nguyện viên; Người chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại; Nhà quản lý, Giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật; Người tham gia các dự án thầu, dự án tại Việt Nam.

Việc xin giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài phải thực hiện thủ tục theo hai bước: nộp hồ sơ giải trình gửi chủ tịch UBND tỉnh và sau đó gửi hồ sơ xin GPLĐ đến Sở LĐTBXH.

Sở LĐTBXH sẽ trả kết quả hồ sơ (có hay không cấp GPLĐ) trong thời hạn 10 ngày làm việc.

(T.H – tổng hợp)

Tin liên quan