Làm sao để xuất hoá đơn bán hàng hoá đúng quy định

Thời gian qua, chúng tôi nhận được khá nhiều câu hỏi liên quan đến việc thời điểm xuất hoá đơn bán hàng hoá để thuận lợi cho thực tế phát sinh tại đơn vị và không vi phạm các quy định hiện hành về thời điểm xuất hoá đơn.

Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu
Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu là khi nào?

Thứ nhất: Để hiểu rõ vấn đề này trước hết, chúng ta cần tìm hiểu “Mua bán hàng hóa/ tài sản” là gì để biết về bản chất của nó, từ đó dễ dàng phân tích thời điểm chuyển quyền sở hữu.

  • Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
  • Căn cứ khoản 8, Điều 3, Luật thương mại 2005 quy định: “Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận.”

Trong đó, chúng ta phải hiểu hàng hoá là một phần của Tài sản nói chung và từ các định nghĩa trên, chúng ta xác định được “chuyển quyền sở hữu tài sản/ hàng hóa” là một trong các nghĩa vụ làm nên đặc trưng của hoạt động mua bán tài sản/ hàng hóa. Nó có vai trò rất quan trọng mà các bên liên quan cần hiểu rõ để xác định đúng về thời điểm chuyển quyền sở hữu về sau.

Thứ hai: Để hiểu được chuyển giao quyền sở hữu đối với hàng hoá (là một loại của tài sản nói chung), chúng ta cần hiểu “quyền sở hữu” được quy định như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại điều 158, Bộ luật dân sự 2015, quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụngquyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Trong đó:

  • Theo Điều 179, Quyền chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản;
  • Theo điều 189, Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật; và
  • Theo Điều 192, Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.

Đến đây chúng ta có thể nhận ra rằng khi đã xác định chuyển giao quyền sở hữu tài sản có nghĩa là pháp luật quy định phải chuyển giao cả 03 quyền trên.

Thứ ba: Xác định Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu”

  • Theo quy định tại khoản 1, Điều 161 Bộ luật Dân sự 2015 thì “Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

              Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.”

  • Theo quy định tại Điều 238, Bộ luật Dân sự 2015 “Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao.”
  • Theo quy định tại Điều 62 Luật Thương mại 2005 về thời điểm chuyển quyền sở hữu hàng hóa thì “Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên không có thỏa thuận khác, quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao.”

Vậy, theo quy định pháp luật hiện hành thì quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua từ thời điểm tài sản/hàng hóa được chuyển giao. Hay nói cách khác, quyền sở hữu được chuyển giao khi bên bán thực hiện việc giao hàng và bên mua nhận được hàng. Xuyên suốt các nội dung quy định liên quan đến việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu trong cả Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015, chúng ta đều nhận ra một nguyên tắc rất quan trọng đấy là “Nguyên tắc tự do ý chí” có nghĩa là tôn trọng sự thoả thuận của các bên tham gia giao kết hợp đồng, cụ thể được quy định tại khoản 2, Điều 3, Bộ luật Dân sự 2015.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 3, điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP về thời điểm lập hoá đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền và nếu giao hàng nhiều lần thì mỗi lần giao hàng đều phải lập hóa đơn cho giá trị hàng hóa được giao tương ứng.

Như vậy, thời điểm xuất hoá đơn theo quy định trên được xác định 03 thời điểm:

  • Thời điểm chuyển giao quyền sở hữu;
  • Thời điểm chuyển giao quyền sử dụng; và
  • Thời điểm giao hàng.

1. Nội dung quy định tại điều này đang xảy ra xung đột ngay trong các quy định của chính nó (khoản 1 và khoản 3), cụ thể như sau:

  • Trong thực tế thời điểm giao hàng và thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hoá không phải lúc nào cũng diễn ra cùng thời điểm. Phần lớn việc giao hàng phải diễn ra trước sau đó hai bên mới tiến hành kiểm đếm số lượng, chất lượng hàng hoá, rồi mới ký nhận bàn giao;
  • Như vậy nếu căn cứ theo khoản 3, điều 9 và cách hiểu của cơ quan thuế hiện nay thì nếu giao hàng thành nhiều lần, chưa cần biết bên mua có nhận hàng hay không và chắc chắn là bên bán chưa chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua nhưng vẫn phải xuất hoá đơn cho bên mua dẫn đến xung đột với khoản 1, điều 9 vì hàng hoá chưa chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua nhưng hoá đơn đã xuất có nghĩa là đã xác lập chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa từ người bán sang cho người mua.

2. Xung đột với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cụ thể là Luật thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015 về thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hàng hoá vì:

  • Thời điểm giao hàng chưa chắc là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu;
  • Thời điểm giao hàng cũng chưa chắc là thời điểm chuyển giao quyền sử dụng; và

vì việc xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng của tài sản/hàng hoá còn tuỳ thuộc vào ý chí của các bên được giao kết trong hợp đồng mua bán không trái với quy định của pháp luật.

3. Không phù hợp với thực tế và gây khó cho doanh nghiệp

Như chúng ta đã biết, trong thực tế rất nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc rất lớn về việc quy định xuất hoá đơn tại thời điểm giao hàng vì:

  • Hàng giao thành nhiều lần, khi giao đi người mua chưa kiểm tra số lượng, chất lượng, phẩm chất mà thường là khi giao đủ số lượng hai bên mới tiến hành kiểm tra, xác nhận và bàn giao. Nhưng theo quy định phải xuất hoá đơn, đến khi kiểm đếm thực tế có khác biệt với số lượng, chất lượng,… lại phải xuất hoá đơn điều chỉnh rất mất thời gian, công sức nhưng không giải quyết được việc gì cả;
  • Khi giao hàng bắt xuất hoá đơn, vậy nội dung trên hoá đơn ghi gì cho phù hợp khi mà hàng hoá chưa chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho bên mua!?
  • Có những doanh nghiệp trong ngày giao hàng cho khách hàng trăm chuyến, nếu mỗi lần giao đều xuất hoá đơn thì trung bình mỗi ngày phải mất vài trăm đến cả nghìn hoá đơn, gây lãng phí vô cùng lớn cho xã hội nhưng cũng không biết để làm gì.

Để tháo gỡ các vướng mắc trên, theo quan điểm của chúng tôi dựa trên các quy định pháp luật hiện hành, trong khi chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế và tháo gỡ các xung đột pháp lý với các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn, doanh nghiệp có thể hiểu và vận dụng văn bản đúng và phù hợp cho mình như sau:

  • Về xác định xác định thời điểm xuất hoá đơn là thời điểm giao hàng, Doanh nghiệp  nên vận dụng căn cứ theo khoản 2, điều 156, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 để áp dụng theo quy định của các văn bản có giá trị pháp lý cao hơn;
  • Áp dụng các quy định của văn bản chuyên ngành, trong trường hợp này là luật Thương mại 2005 để soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hoá đúng với quy định của Pháp luật;
  • Áp dụng luật chung được quy định trong Bộ luật Dân sự để vận dụng vào các trường hợp pháp luật riêng chưa quy định rõ ràng, đầy đủ và chi tiết hay có xung đột pháp lý phát sinh trong quá trình áp dụng vào thực tế.

Để tháo gỡ các vướng mắc trong việc tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến thời điểm xuất hoá đơn, ngoài việc hiểu rõ các nội dung chia sẻ trên, chúng tôi khuyến nghị Quý ACE khi soạn thảo hợp đồng mua bán nếu có phát sinh sự khác biệt giữa các thời điểm chuyển giao hàng hoá và xuất hoá đơn, trong hợp đồng mua bán cần thêm điều khoản xác định thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thời điểm phát hành hoá đơn cho bên mua (theo “Nguyên tắc tự do ý chí”) để phù hợp với thực tế và các quy định pháp luật hiện hành nhằm hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh cho đơn vị mình về sau.

Trên đây là nội dung chia sẻ theo sự hiểu biết pháp luật có hạn của người viết, không phải là cơ sở pháp lý để áp dụng chung cho mọi trường hợp. Nếu có nội dung nào chưa đúng, chưa đủ hoặc chưa phù hợp với các quy định của Pháp luật, rất mong đón nhận ý kiến đóng góp từ quý đọc giả để giúp chúng tôi hiểu rõ và hoàn thiện hơn.

Mọi thông tin phản hồi vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email [email protected].

Tin liên quan