Kế toán – Kiểm toán Việt Nam cần chuẩn bị gì cho hội nhập khu vực ASEAN

Đứng trước cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng theo lộ trình cam kết gia nhập WTO và trước mắt là AEC vào cuối năm nay 2015, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) phải làm sao để người có Chứng chỉ KeTV được thừa nhận ở các nước ASEAN. Câu hỏi này đã được đặt ra và trao đổi khá nhiều lần trong các kỳ họp BCH VAA nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có một định hướng rõ ràng, cụ thể, chưa có một lộ trình phù hợp để trang bị những kiến thức hội nhập cần thiết cho đội ngũ kế toán nói chung và KeTV hành nghề nói riêng. Như vậy, chúng ta những người làm nghề Kế toán tại Việt Nam cần làm gì để tự trang bị cho mình những hành trang cần thiết cho công việc hội nhập sắp tới.

Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiếm toán trong ASEAN (MRA) là gì? Thỏa thuận những nội dung nào?

Trao đổi với Báo Kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiếm toán trong ASEAN (MRA) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 vào tháng 8/2014. Đến nay, thông qua Phiên họp chuyên ngành của nhóm MRA về kế toán, kiểm toán được tổ chức vào tháng 9/2014 (trong khuôn khổ Phiên họp lần thứ 79 của ủy ban Điều phối dịch vụ ASEAN) các nước ASEAN cũng như Việt Nam nói riêng đang tham khảo kinh nghiệm triển khai Thỏa thuận của lĩnh vực xây dựng và kiến trúc. Từ đó các bên sẽ xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai Thỏa thuận trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán (thành lập Ban thư ký và Chủ tịch của ủy ban Điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (AC- PACC), xây dựng biểu mẫu hồ sơ, quy trình thủ tục, báo cáo đánh giá tiêu chuẩn ứng viên, thiết lập ủy ban Giám sát của mỗi nước…).

Thỏa thuận này phù hợp với các quy định hiện hành về việc hành nghề kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Tham gia Thỏa thuận, Việt Nam có một số cơ hội, như: Tăng cường hội nhập với khu vực về lĩnh vực kế toán, kiểm toán; tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam (có Chứng chỉ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN) được sang làm việc tại các nước khác trong khu vực và học hỏi kinh nghiệm tốt từ các quốc gia có bề dày phát triển trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; đa dạng hóa đối tượng tham gia hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam (bao gồm cả những người nước ngoài có chứng chỉ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, Thỏa thuận này không làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán trong nước. Bởi vì người nước ngoài có Chứng chỉ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN chỉ được làm việc trong các DN kế toán, kiểm toán, không được hành nghề độc lập với tư cách cá nhân. Nếu muốn trở thành kiểm toán viên hành nghề và ký báo cáo kiểm toán cần đáp ứng đủ các quy định trong nước hiện hành (gồm quy định về Chứng chỉ Kiểm toán viên, cập nhật kiến thức, đăng ký với cơ quan có thẩm quyền…). Tương tự, người Việt Nam có Chứng chỉ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN muốn sang nước khác trong khu vực ASEAN để hành nghề cũng phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật nước đó.

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội kế toán và kiểm toán Việt Nam, khi tham gia Thỏa thuận này, Việt Nam sẽ gặp khó khăn do số lượng người hành nghề kế toán, kiểm toán còn ít (khoảng 2.000 người, chỉ chiếm khoảng 1,9% số kiểm toán viên đang hành nghề tại khu vực). Hơn nữa, khi mở cửa thị trường, Việt Nambuộc phải chấp nhận người nước ngoài được hành nghề ở Việt Nam. Vậy vấn đề đặt ra là người Việt Nam có đủ điều kiện, đủ năng lực để hành nghề ở nước ngoài hay không. Vì vậy, theo ông Thanh, cần sớm thực hiện 3 việc: Một là, xây dựng chương trình đào tạo thống nhất, hài hòa với chương trình đào tạo chung của các nước. Hai là, thay đổi cách thức tổ chức đào tạo và thi chứng chỉ để đảm bảo đến năm 2020 Việt Nam tăng (ít nhất) gấp đôi số lượng kế toán viên, kiểm toán viên hành nghề so với hiện nay. Ba là, nên sớm chuyển giao việc đào tạo, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ cho hội nghề nghiệp và luật hóa vấn đề này.

 

aec

 

Tiếp theo, chúng ta cần biết Việt Nam đã và đang làm gì để đảm bảo nghề Kế toán tại Việt Nam khi tham gia hội nhập sẽ được cộng đồng ASEAN thừa nhận.

Về phía cơ quan nhà nước: Chúng ta nhận thấy trong thời gian qua Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những bước đi rất cần thiết để đáp ứng tối đa cho nhu cầu nhập quốc tế của Việt Nam, cụ thể:

– Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Kế toán trong đó có những nội dung sửa đổi, bổ sung với mục đích phục vụ cho việc hội nhập theo thỏa thuận đã ký kết như: Áp dụng nguyên tắc giá trị hợp lý thay vì nguyên tắc giá gốc như Luật kế toán 2003; Bổ sung Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; Các quy định rõ ràng, cụ thể về việc quản lý hành nghề dịch vụ kế toán; Chuyển giao một số nội dung cụ thể cho Hội nghề nghiệp; …

– Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi, bổ sung 8 chuẩn mực kế toán và đánh giá tính khả thi để đảm bảo phù hợp với khu vực; Ban hành Chế độ Kế toán doanh nghiệp mới gồm 02 Thông tư cực lớn TT200 & TT202; và sắp tới còn nhiều văn bản khác phục vụ cho công tác kế toán tại Việt Nam;…

Về phía Hội nghề nghiệp – VAA: 

– VAA đang rấp rút chuẩn bị lộ trình tiếp nhận việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ kế toán do Bộ Tài chính chuyển giao;

– Tổ chức tiếp nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và quản lý chất lượng dịch vụ kế toán;

– Xây dựng, hoàn thiện các quy trình về quản lý chất lượng dịch vụ kế toán;

– Tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức cho những người hành nghề Kế toán tại Việt Nam.

– …

 

và cuối cùng là CHÚNG TA – Những người hành nghề kế toán – Chúng ta cần chuẩn bị gì để làm hành trang cho quá trình hội nhập?

 

Hiện tại, thời gian không còn nhiều để chúng ta ngồi phán xét các vấn đề đã và đang diễn ra mà hãy tập trung cao nhất có thể để tự hoàn thiện bản thân, nghề nghiệp của mình trước khi bị tụt hậu.

 

 

Tin liên quan