Đáp ứng nguyện vọng của người nộp thuế

Không chỉ người nộp thuế, mà rất nhiều đại biểu Quốc hội, với mong muốn tạo điều kiện cho hơn 5 triệu người có thêm thu nhập thông qua việc giảm mức động viên cho ngân sách nhà nước, cũng kiến nghị triển khai Luật Thuế TNCN sửa đổi từ 1/1/2013.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 3/2012, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi từ ngày 1/1/2014 với lý do cần có thời gian xây dựng các văn bản hướng dẫn, chuẩn bị phần mềm quản lý thuế. Nhưng vào tháng 7/2012, Bộ Tài chính lại đề xuất triển khai luật thuế này từ ngày 1/7/2013. Việc đẩy nhanh thời điểm triển khai Luật Thuế TNCN sửa đổi, theo “tư lệnh ngành tài chính” – Bộ trưởng Vương Đình Huệ là “để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người nộp thuế”.

Như vậy có thể thấy, Bộ Tài chính cũng rất muốn triển khai sớm Luật Thuế TNCN sửa đổi để góp phần tăng thu nhập cho một bộ phận người dân trong bối cảnh những người làm việc trong khu vực nhà nước chưa tăng được lương theo lộ trình và lương của khu vực doanh nghiệp tăng không như dự kiến. Song, có lẽ cơ quan này vẫn còn băn khoăn bởi 2 lẽ: việc áp dụng từ 1/1/2013 sẽ quá nhanh (đúng 39 ngày kể từ khi Quốc hội thông qua) nên thiếu thời gian chuẩn bị và ảnh hướng đến cân đối ngân sách năm 2013.

Vẫn biết, việc triển khai bất cứ luật nào cũng cần thời gian để xây dựng các văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn. Với Luật Thuế TNCN, ngoài việc xây dựng văn bản hướng dẫn, tổ chức tập huấn, còn phải điều chỉnh phần mềm quản lý thu thuế và phần mềm kế toán của doanh nghiệp, do vậy cần nhiều thời gian hơn. Nhưng nếu ngành tài chính thực sự cố gắng, thực sự vì “nguyện vọng của người nộp thuế” thì vẫn có thể triển được Luật Thuế TNCN sửa đổi ngay từ ngày 1/1/2013, mà không phải đợi thêm 6 tháng nữa.

Ngay khi bắt tay triển khai Luật Thuế TNCN (1/1/2009), đứng trước khó khăn của nền kinh tế, thu nhập của người dân bị suy giảm, Quốc hội đã lùi thời gian áp dụng luật thuế này thêm 6 tháng. Cũng với lý do trên, năm 2011 và 2012, Quốc hội quyết định miễn, giảm thuế TNCN cho một số đối tượng. Thực tế cho thấy, cả 2 lần miễn, giảm thuế và 1 lần lùi thời gian áp dụng, hệ thống phần mềm quản lý thuế cũng như phần mềm kế toán của doanh nghiệp không hề gặp sự cố cho dù phải điều chỉnh để thực hiện chính sách thuế mới.

Việc triển khai miễn, giảm thuế cho dù gặp không ít khó khăn, áp lực công việc rất lớn, nhưng đều được cơ quan thuế thực hiện “thông đồng bén giọt”. Vì thế, có thể nói, cơ quan thuế đã “dày kinh nghiệm” để xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2013.

Theo Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước 2013 vừa được Quốc hội thông qua, tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2013 là 816.000 tỷ đồng. Trong trường hợp áp dụng Luật Thuế TNCN sửa đổi từ 1/1/2013, số thu ngân sách từ sắc thuế này chắc chắn sẽ giảm và nếu không có nguồn khác bù đắp, việc cân đối thu – chi ngân sách nhà nước sẽ ảnh hưởng. Đây đúng là bài toán khó cho ngành tài chính, song nếu thực sự vì “nguyện vọng của người nộp thuế” thì không phải là không có cách giải quyết, bởi thất thu ngân sách và nợ đọng thuế còn rất lớn.

Để giải bài toán này, ngành tài chính phải đẩy mạnh chống thất thu ngân sách, chống nợ đọng thuế như đã và đang thực hiện từ đầu năm đến nay.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm cơ quan thuế và hải quan truy thu, truy hoàn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế hơn 8.901 tỷ đồng; thu hồi gần 19.453 tỷ đồng tiền thuế nợ đọng. Một khi ngành thuế tích cực chống thất thu và chống nợ đọng thuế thì không chỉ thừa nguồn lực để bù đắp phần hụt thu khoảng 5.160 tỷ đồng do thực hiện Luật thuế TNCN sớm hơn 6 tháng so với dự kiến ban đầu, mà còn có thể tiếp tục miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

baodautu.vn

Tin liên quan