Chất lượng dịch vụ kế toán tại Việt Nam chưa đảm bảo lòng tin công chúng

Bên cạnh các kết quả đã đạt được, vẫn còn tồn tại các nguyên nhân chính cần giải quyết ngay để đảm bảo thị trường dịch vụ kế toán được kiểm soát, đảm bảo chất lượng, uy tín và lòng tin cho người sử dụng dịch vụ kế toán nói riêng và công chúng nói chung.

 

– Môi trường pháp lý: Các văn bản pháp lý liên quan trực tiếp đến lĩnh vực kế toán và thị trường dịch vụ kế toán vẫn chưa được nghiên cứu ban hành đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Hệ thống văn bản pháp lý chi phối và điều chỉnh trực tiếp đến lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán mới chủ yếu quy định liên quan đến điều kiện về người làm kế toán, kế toán trưởng trong doanh nghiệp; còn thiếu những quy định cần thiết để kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toánhành nghề kế toán; chưa có những chế tài đủ mạnh để răng đe việc cung cấp dịch vụ kế toán không đúng quy định; chưa có một tổ chức nào đứng ra kiểm soát chất lượng của các đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán trên thị trường nhưng không đăng ký hành nghề. Từ đó dẫn đến chưa tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp thuê dịch vụ, hạn chế sự phát triển thị trường dịch vụ kế toán. Vì vậy, các doanh nghiệp không mặn mà với việc thuê dịch vụ kế toán với chất lượng đảm bảo, có đủ điều kiện về pháp lý theo quy định của Luật Kế toán mà chỉ cần thuê người làm kế toán với giá phí thấp, mà không quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ cung cấp và tính pháp lý của việc cung cấp dịch vụ kế toán, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức, các nhân hành nghề chui phát triển và cạnh tranh không lành mạnh với những đơn vị, cá nhân hành nghề kế toán chân chính.

 

Các cơ quan quản lý chức năng của Nhà nước: các cơ quan quản lý Nhà nước gồm Bộ Tài chính, các Hội nghề nghiệp chưa thực sự phát huy hết vị trí, vai trò của mình trong việc trợ giúp các công ty dịch vụ kế toán, tổ chức, các cá nhân cung cấp dịch vụ kế toán mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong việc cung cấp các dịch vụ kế toán. Mặt khác, việc quy định điều kiện thành lập và cung cấp dịch vụ kế toán của một doanh nghiệp còn có sự không thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Chưa quản lý chặt việc cung cấp dịch vụ chui trên thị trường để phát triển hỗn loạn kéo theo chất lượng vô cùng thấp làm mất uy tín các đơn vị, cá nhân hành nghề chân chính. Việc kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán còn mang tính hình thức, chưa trú trọng đến chất lượng của các báo cáo tài chính mà những đơn vị, cá nhân hành nghề cung cấp cho thị trường, công chúng, chưa thành lập một ban chuyên môn thật sự đủ trình độ, kinh nghiệm rà soát báo cáo từ đó đưa ra những tiêu chuẩn khung cho người cung cấp dịch vụ kế toán ra thị trường,…

 

Đối tượng sử dụng dịch vụ kế toán: Thị trường dịch vụ kế toán hiện nay chưa thực sự phát triển bởi nhóm khách hàng mà họ cung cấp còn tồn tại một số hạn chế như nhận thức về dịch vụ kế toán chưa đầy đủ, thường khách hàng chỉ nghĩ dịch vụ kế toán chỉ là ghi sổ là lập báo cáo thuế mà chưa biết đến các dịch vụ khác như tư vấn tài chính; tư vấn quản trị; tuyển dụng nhân sự; soát xét chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính, tư vấn về thuế, thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống thông tin kế toán,… nhận thức về lợi ích của việc thuê các dịch vụ kế toán từ các tổ chức bên ngoài doanh nghiệp chưa cao và họ chưa thực sự yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin khi giao chứng từ cho các đơn vị, cá nhân bên ngoài thực hiện; Chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác kế toán tại đơn vị mà chỉ kinh doanh dựa theo kinh nghiệm; các doanh nghiệp tại Việt Nam phần lớn là qui mô nhỏ và vừa còn mang nặng tín gia đình, phần lớn chủ doanh nghiệp chưa đọc hiểu được báo cáo tài chính; đa phần suy nghĩ việc làm kế toán, thuế chỉ phục vụ cho mục đích đối phó với các cơ quan nhà nước là chính; dịch vụ kế toán không hỗ trợ được các công việc hành chính khác như nhân viên kế toán…

 

Đối tượng cung cấp dịch vụ kế toán: dịch vụ kế toán đòi hỏi thời gian nhiều, công việc cần sự tỷ mỉ và hiểu biết sâu về hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán cũng như lĩnh vực kinh doanh của khách hàng nhưng giá phí mà khách hàng sẵn sàng chi trả cho dịch vụ kế toán quá thấp không tương ứng với chi phí mà các công ty bỏ ra từ đó phát sinh một hiện tượng vô cùng nguy hiểm là làm cho có, làm kế toán chỉ dựa theo hóa đơn khách hàng cung cấp, không tư vấn, không tìm hiểu thực tế kinh doanh tại doanh nghiệp. Dịch vụ kế toán còn chạy theo doanh thu và số lượng hợp đồng mà chưa chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, đào tạo nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp cho kế toán viên dẫn đến chất lượng dịch vụ chưa đảm bảo, chưa tạo niềm tin cho các doanh nghiệp thuê dịch vụ cũng như các đối tượng sử dụng thông tin khác. Mặt khác, do không có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý chức năng nên đội ngũ làm thuê kế toán không có chứng chỉ hành nghề làm kế toán chui với giá phí cạnh tranh hơn với các công ty có dịch vụ chất lượng và đầy đủ điều kiện pháp lý, dẫn đến các công ty kiểm toán và cung cấp dịch vụ kế toán lớn cũng không mặn mà về việc phát triển dịch vụ kế toán. Loại hình dịch vụ kế toán chưa đa dạng hóa và chưa được phổ biến rộng rãi. Hầu như các công ty kiểm toán, tư vấn tài chính kế toán mới tập trung vào một số dịch vụ chủ yếu như soát xét BCTC, lập báo cáo thuế và một số soát xét liên quan đến kế toán phục vụ cho việc cổ phần hóa, liên doanh, liên kết… mà chưa thật sự chủ động giới thiệu, quảng bá và cung cấp cũng như hướng cho khách hàng sử dụng những dịch vụ kế toán tạo ra giá trị gia tăng cho cả doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng như dịch vụ về tư vấn các quyết định kinh tế liên quan đến quản trị doanh nghiệp dựa trên các thông tin kế toán; dịch vụ tư vấn, tuyển dụng, đào tạo và cung cấp kế toán viên, kế toán trưởng; dịch vụ về tư vấn, lập kế hoạch thuế, kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro…

 

Với sự cần thiết phải giải quyết các nguyên nhân trên, ngày 25/01/2013 VAA đã thành lập một tổ chức nghề nghiệp, đại diện cho tiếng nói chung của những người hành nghề kế toán tại Việt Nam, để giải quyết các vấn liên quan đến hoạt động hành nghề: Cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế rủi ro nghề nghiệp, bảo vệ các quyền lợi chính đáng, khắc phục tình trạng hoạt động mang tính đơn lẻ của các đơn vị, cá nhân hành nghề kế toán và góp phần đẩy mạnh chất lượng dịch vụ cung cấp ra xã hội, nâng cao vị thế xã hội cho nghề nghiệp. Chúng ta hãy cùng tin tưởng rằng với mục tiêu thiết thực trên Chi hội Kế toán hành nghề Việt Nam sẽ góp phần quan trọng đưa thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam phát triển đúng định hướng trong thời gian tới.

 

Tham khảo bài viết của Lưu Đức Tuyên đăng trên Tạp chí Kế toán số 12

Tin liên quan