Bài 2: Ghi nhận doanh thu đối với cổ tức bằng cổ phiếu có thể bóp méo bức tranh tài chính của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ

strong>Thứ nhất, cần biết nhà đầu tư với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp có quyền đối với toàn bộ lợi nhuận doanh nghiệp kiếm được tại thời điểm phát sinh chứ không phải là tại thời điểm phân phối khoản lợi nhuận đó. Như vậy, nếu nhà đầu tư ghi nhận doanh thu tài chính đối với phần sở hữu của mình trong kết quả hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp được đầu tư, cần phải ghi nhận tại kỳ phát sinh chứ không phải kỳ thực hiện phân phối. 

strong>Thứ hai, Khi công ty cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu, thực chất vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần không giảm, không có luồng tiền ra, theo đó phần sở hữu của nhà đầu tư trong vốn chủ sở hữu của công ty cổ phần không thay đổi. Nếu nhà đầu tư áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết thì nhà đầu tư đã ghi nhận ngay doanh thu tương ứng với phần được hưởng trong kết quả kinh doanh của công ty liên doanh, liên kết tại kỳ công ty liên doanh, liên kết có lãi. Nếu sau đó công ty liên doanh, liên kết trả cổ tức bằng cổ phiếu lại tiếp tục ghi nhận doanh thu một lần nữa thì cùng một khoản sẽ được ghi nhận doanh thu 2 lần. Mặt khác, khi công ty TNHH tăng vốn từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thì không có quy định các thành viên góp vốn được ghi nhận doanh thu. Phải chăng cùng một giao dịch là sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu nhưng công ty cổ phần xử lý khác so với  và các loại hình doanh nghiệp khác?

strong>Thứ ba, việc quy định nhà đầu tư được ghi nhận doanh thu đối với số cổ phiếu nhận được mà không phải trả tiền khi công ty cổ phần sử dụng quỹ đầu tư phát triển hoặc thặng dư vốn cổ phần để phát hành cổ phiếu cũng thực sự không hợp lý và trái với bản chất tài chính. Thặng dư vốn cổ phần chính là phần vốn góp của cổ đông cao hơn mệnh giá, việc chuyển khoản thặng dư vốn cổ phần thành vốn cổ phần liệu có làm cho nhà đầu tư có lợi nhuận? Điều này giống như việc nhà đầu tư góp 20.000 đồng, trong đó 10.000 đồng ghi là mệnh giá và 10.000 đồng là thặng dư tại thời điểm góp vốn. Sau đó công ty cổ phần chuyển thặng dư thành cổ phiếu, nhà đầu tư từ chỗ chỉ có 1 cổ phiếu bây giờ có 2 cổ phiếu nhưng thực chất số vốn góp không thay đổi. Tuy nhiên lại được ghi nhận doanh thu và có lãi! Như vậy, nhà đầu tư chỉ cần góp vốn cao hơn mệnh giá rồi cứ việc ngồi chờ công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu là có lợi nhuận? Chưa kể, nhà đầu tư còn phải nộp thuế TNDN trên số vốn mình mang đi góp. Còn Quỹ đầu tư phát triển thì được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nên bản chất thì cũng chả có gì khác biệt so với khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu.

strong>Thứ tư, khi phát hành thêm cổ phiếu từ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển hoặc lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, do số lượng cổ phiếu tăng nhưng vốn chủ sở hữu không tăng nên giá trị thị trường và giá trị sổ sách của cổ phiếu bị pha loãng. Nếu ghi nhận doanh thu đối với cổ phiếu được chia đồng thời ghi tăng giá trị khoản đầu tư, rất có khả năng một số (không phải tất cả) doanh nghiệp sẽ phải trích lập thêm dự phòng giảm giá chứng khoán, hay nói cách khác vừa ghi tăng doanh thu, vừa ghi tăng chi phí.

Khoản phiếu nhà đầu tư được nhận mà không phải trả tiền này nếu được coi là doanh thu thì có chịu thuế TNDN tại thời điểm ghi nhận hay không khi pháp luật về thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán quy định nghĩa vụ thuế phát sinh khi chứng khoán được chuyển nhượng, sự mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp này sẽ làm vấn đề rối thêm và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng.

Việc cho phép các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ ghi nhận doanh thu đối với cổ phiếu nhận được mà không phải trả tiền một lần nữa lại tạo ra cơ chế riêng đối với loại doanh nghiệp này khi hiện nay, các công ty không thuộc sở hữu 100% của Nhà nước đang thực hiện theo thông lệ quốc tế, chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu được nhận mà không ghi doanh thu.  Quy định này không những làm mất đi khả năng so sánh của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100& vốn điều lệ với các doanh nghiệp khác mà còn làm báo cáo tài chính giảm trung thực, hợp lý. Đề nghị Cục tài chính doanh nghiệp – Bộ tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 71 và thông tư 220, hãy hạ cố lắng nghe thêm ý kiến của dư luận xã hội và các chuyên gia tài chính để hoàn thiện các chính sách tài chính áp dụng cho doanh nghiệp.

Tin liên quan