BÀI 1: ÁP DỤNG ƯU ĐÃI THUẾ TNDN ĐỐI VỚI DỰ ÁN ĐẦU TƯ MỞ RỘNG

BÀI 1: ÁP DNG ƯU ĐÃI THU TNDN ĐI VI D ÁN ĐU TƯ M RNG

            Việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN tại Việt Nam hiện nay đang gặp quá nhiều vướng mắc, chính sách không rõ ràng, văn bản hướng dẫn không đầy đủ, mỗi địa phương hiểu một kiểu, vận dụng một kiểu, cơ quan thuế thì luôn hiểu theo hướng làm thế nào để thu được càng nhiều thuế càng tốt bất chấp việc có thể đưa doanh nghiệp đến bờ vực phá sản vì phải gánh số tiền truy thu thuế + phạt thuế lên đến vài tỷ đồng thậm chí vài trăm tỷ đồng.

            Thật vậy, không chỉ riêng các chủ doanh nghiệp không có đủ thông tin mà ngay cả đơn vị, cá nhân chuyên cung cấp dịch vụ, tư vấn cho khách hàng mặc dù đã tìm hiểu, nghiên cứu văn bản, chính sách thuế rất kỹ lưỡng trước khi tư vấn vẫn thường xuyên bị VIỆT VỊ trong việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế tại Việt Nam.

            Đơn cử một vài trường hợp cụ thể về việc hướng dẫn đầu tư mở rộng để chúng ta có cái nhìn thực tế về việc vận dụng chưa đúng các chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện nay của ngành thuế:

1. Việc xác định tiêu thức đầu tư mở rộng và thời gian miễn, giảm thuế đối với dự án đầu tư mở rộng, cần chia ra thành 03 giai đọan:

– Thời kỳ 2004-2006: Tại điểm 3 Mục III Phần E Thông tư số 128/2003/TT-BTC ngày 22/12/2003 của Bộ Tài chính quy định:

Cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế, giảm thuế TNDN cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại.

… Thời gian miễn thuế, giảm thuế theo điểm này được tính từ năm dự án đầu tư hoàn thành bắt đầu đưa vào sản xuất, kinh doanh. Đối với những dự án đầu tư có thời gian thực hiện dự án kéo dài và chia ra thành nhiều hạng mục đầu tư thì cơ sở kinh doanh có thể lựa chọn thời gian tính miễn thuế, giảm thuế theo từng hạng mục đầu tư hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh. Căn cứ thời gian dự kiến thực hiện dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với dự án đầu tư.”

– Thời kỳ 2007-2008: Tại điểm 2 Mục IV Phần E Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính quy định:

Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại

… Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được tính từ năm dự án đầu tư hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh có thu nhập. Đối với những dự án đầu tư có thời gian thực hiện dự án kéo dài và chia ra thành nhiều hạng mục đầu tư thì cơ sở kinh doanh có thể lựa chọn thời gian tính miễn thiế, giảm thuế theo từng hạng mục đầu tư hoàn thành đưa vào sản xuất, kinh doanh. Căn cứ thời gian dự kiến thực hiện dự án đầu tư, cơ sở kinh doanh đăng ký với cơ quan thuế thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với dự án đầu tư.”

– Thời kỳ 2009 đến 2013: Tại điểm 6 Phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:

Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì phần thu nhập từ dự án đầu tư này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

… Doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng sản xuất đến ngày 31 tháng 12 năm 2008 đang đầu tư xây dựng dở dang và trong năm 2009 hoàn thành đi vào sản xuất, kinh doanh thì tiếp tục được hưởng thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tăng thêm từ dự án đầu tư mở rộng mang lại theo Thông tư số 134/2007/TT-BTC; phần thu nhập tăng thêm của dự án này áp dụng thuế suất 25% và thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập tăng thêm tính từ năm 2009 dự án đi vào sản xuất, kinh doanh.”

            Bên cạnh 03 văn bản trên, ngày 22 tháng 9 năm 2006 Chính phủ cũng đã Ban hành Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, trong đó tại Điều 2 điểm 3 đã định nghĩa cụm từ "Dự án đầu tư mở rộng" như sau: Dự án đầu tư mở rộng là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường."

            Từ những cơ sở của văn bản pháp luật trên, bất kỳ ai cũng sẽ hiểu chính sách thuế của nhà nước đối với việc ưu đãi thuế TNDN cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng như sau:

            1. Thời kỳ từ năm 2004 đến năm 2008:

            –  Theo điểm 3.2, Mục III, Phần E Thông tư 128/2003/TT-BTC ngày 22 tháng 12 năm 2003 của Bộ Tài chính: "cơ sở kinh doanh đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại;" và

            – Theo điểm 2 Mục IV Phần E Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính: "Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại;"

            Cơ sở kinh doanh hoặc cơ sở kinh doanh đang hoạt động có đầu tư xây dựng hoặc lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại;

            Không bắt buộc phải có dự án đầu tư mở rộng.

            2. Thời kỳ từ năm 2009 đến năm 2013:

            – Theo điểm 6, phần I, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNDN: "Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì phần thu nhập từ dự án đầu tư này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp;" và

            – Theo Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, trong đó tại Điều 2 điểm 3 đã định nghĩa cụm từ "Dự án đầu tư mở rộng" như sau: Dự án đầu tư mở rộng dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường."

            Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì phần thu nhập từ dự án đầu tư này sẽ không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; và Dự án đầu tư mở rộng phải là dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.".

            Rõ ràng trong giai đoạn này, tiêu chí mà Bộ Tài chính quy định đối với đầu tư mở rộng là phải "CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ" và các văn bản này cũng hoàn toàn không có một tiêu chí nào định nghĩa hay xác định rằng Doanh nghiệp mua sắm thêm máy móc thiết bị hoặc tăng vốn đầu tư thì xem là "Dự án đầu tư mở rộng".

            Thế nhưng, trong thực tế việc vận dụng văn bản tại các Cục thuế địa phương và cả hướng dẫn của Tổng cục thuế lại phát sinh các trường hợp trái ngược như sau:

            1. Trong giai đoạn 2004-2008 – giai đoạn mà theo Thông tư của BTC không bắt doanh nghiệp phải có Dự án đầu tư mới xem là đầu tư mở rộng thì doanh nghiệp có đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất mới (hoàn toàn đúng với hướng dẫn tại Thông tư 128/2003/TT-BTC và Thông tư 134/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính, nhưng ngành thuế hướng dẫn theo hướng khác như sau:

            1.1. Theo Công văn số 931/TCT-CS của Tổng cục thuế ngày 16 tháng 03 năm 2012 hướng dẫn về thuế suất thuế TNDN đối với dự án đầu tư mở rộng (đối với doanh nghiệp có phát sinh tăng TSCĐ trước ngày 31/12/2008) cho Cục thuế Tp. HCM đã hướng dẫn như sau:

"Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp cơ sở kinh doanh có dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất vào Khu Công nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập tăng thêm của dự án đầu tư mang lại. Trường hợp sau khi dự án đầu tư mở rộng đã hoàn thành nhưng cơ sở kinh doanh tiếp tục đầu tư, tài sản đầu tư thêm này không nằm trong hồ sơ dự án đầu tư mở rộng đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì không được hưởng ưu đãi theo dự án mở rộng đã hoàn thành đối với phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư thêm tài sản này mang lại…"

            1.2. Ngày 31 tháng 01 năm 2013, Cục thuế Tp.HCM có Công văn số 593/CT-TTHT hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN cho Công ty TNHH Gia Minh về đầu tư mở rộng như sau:

"Trường hợp trong năm 2007, Công ty đăng ký bổ sung các ngành nghề hoạt động như: Chế biến và bảo quản thủy sản đông lạnh; chế biến và bảo quản thủy sản khô,…, và thực tế Công ty không có dự án đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất cho nên cơ quan thuế chưa đủ cơ sở để hướng dẫn cụ thể việc áp dụng ưu đãi thuế TNDN đối với phần thu nhập từ các hoạt động này. Đề nghị Công ty liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định các hoạt động tại Giấy chứng nhận đầu tư số 412023000055 ngày 22 tháng 6 năm 2007 quy trình sơ chế, chế biến là sản xuất"

            Công ty TNHH Gia Minh đã gửi văn yêu cầu Ban Quản lý Các Khu Công nghiệp Tp. HCM (Hepza) xác nhận ngành nghề bổ sung của Công ty là sản xuất và đã được HEPZA xác nhận bằng Công văn số 853/BQL_KCN_HCM ngày 14/03/2013, thế nhưng sau khi nhận được văn bản này Cục thuế Tp. HCM đã tiếp tục trả lời cho Công ty Gia Minh như sau:

Trích Công văn số 277/CT-TTHT ngày 18 tháng 4 năm 2013 của Cục thuế Tp. HCM:

"Trường hợp Công ty đang hoạt động, tháng 6/2007 có bổ sung thêm ngành nghề hoạt động như: Chế biến và bảo quản thủy sản đông lạnh; chế biến bảo quản thủy sản khô, chế biến bảo quản thủy sản, các sản phẩm từ thủy sản khác; chế biến bảo quản rau quả nhưng không có dự án đầu tư xây dựng dây truyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện đầu tư mở rộng quy định tại điểm 36 Chương V nghị định 24/2007/NĐ-CP"

            Như vậy theo hướng dẫn tại các văn bản trên, thì trong giai đoạn từ 2004 đến 2008 doanh nghiệp muốn được hưởng ưu đãi thuế theo diện đầu tư mở rộng thì doanh nghiệp phải CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ và phải có hồ sơ dự án đầu tư mở rộng. Doanh nghiệp có điều chỉnh mục tiêu kinh doanh (bổ sung ngành nghề), mua sắm máy móc thiết bị, dây truyền sản xuất,… nhưng không có DỰ ÁN ĐẦU TƯ đều không được hưởng ưu đãi thuế. Hướng dẫn này hoàn toàn trái ngược với Thông tư 128/2003/TT0BTC và Thông tư 134/2007/TT-BTC về ưu đãi đầu tư mở rộng (đã trích dẫn trên);

            2. Trong giai đoạn từ 2009 đến 2013 – giai đoạn mà Bộ Tài chính quy định việc đầu tư mở rộng phải có Dự án đầu tư thì Doanh nghiệp chỉ mua sắm thêm máy móc, thiết bị thay thế cho máy móc thiết bị củ, không còn phù hợp với yêu cầu của khách hàng, sửa chữa nhà xưởng, làm thêm con đường vào nhà máy,…(tất cả mọi việc làm tăng TSCĐ), tăng vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh,… các trường hợp trên đều không có dự án đầu tư, không có hồ sơ dự án đầu tư theo hướng dẫn thế nhưng ngành thuế lại hướng dẫn cho doanh nghiệp trái ngược với nội dung hướng dẫn tại điểm 6, phần I, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế TNDN, các trường hợp cụ thể như sau:

            2.1. Công văn số 1140/CT-TTHT ngày 01/02/2013 của Cục thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho Công ty TNHH Key Plastics (Vệt Nam) liên quan đến đầu tư mở rộng như sau:

"Vậy trường hợp Công ty thành lập năm 2008, đến tháng 8/2011 có mua sắm lắp đặt thêm một số máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động SXKD bằng nguồn vốn tự có nhằm mở rộng qui mô, tăng năng lực sản xuất thì thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng này Công ty không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà áp dụng thuế suất 25%. Công ty phải hạch toán phần thu nhập tăng thêm do dự án đầu tư mở rộng mang lại để xác định số thuế TNDN không được miễn giảm."

            Cần nói rõ, Công ty TNHH Key Plastics (Vệt Nam) không có bất kỳ sự điều chỉnh nào về nội dung Giấy chứng nhận đẩu tư, không có dự án đầu tư, không có hồ sơ dự án mà đơn thuần chỉ mua thêm máy móc, thiết bị để nhằm thay thế cho máy móc thiết bị đang sử dụng không phù hợp. Thế nhưng Cục thuế tỉnh Bình Dương vẫn cố tình ép doanh nghiệp vào nội dung "có mua sắm lắp đặt thêm một số máy móc thiết bị phục vụ cho hoạt động SXKD bằng nguồn vốn tự có nhằm mở rộng qui mô, tăng năng lực sản xuất thì thu nhập tăng thêm từ đầu tư mở rộng này Công ty không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà áp dụng thuế suất 25%"

            Hướng dẫn này rất thiếu căn cứ, rất vô lý và trái với hướng dẫn của Thông tư 130/2008/TT-BTC;

            2.2. Công văn số 4038/CT-TTHT ngày 18/04/2013 của Cục thuế tỉnh Bình Dương trả lời cho Công ty TNHH Kian Joo Can (Việt Nam) như sau:

"Vậy trường hợp Công ty thành lập năm 2001 trong KCN Việt Nam – Singapore với ngành nghề kinh doanh là sản xuất và in lon, bao bì bằng kim loại dùng cho ngành thực phẩm, ngành thức uống và các ngành khác và triển khai ngay dự án đầu tư, nếu Công ty đáp ứng điều kiện ưu đãi thì Công ty được ưu đãi về thuế TNDN theo qui định tại giấy chứng nhận đầu tư lần đầu.

   Trường hợp từ năm 2009 đến năm 2011, Công ty mua sắm thêm máy móc thiết bị phục vụ cho SXKD để mở rộng qui mô, nâng cao năng lực sản xuất, thì thu nhập do hoạt động mở rộng qui mô, nâng cao năng lực sản xuất mang lại sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo qui định tại điểm 6 phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 nêu trên.

            Cần nói rõ, Công ty không có bất kỳ Dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao năng lực sản xuất nào nhưng Cục thuế tỉnh Bình Dương vẫn cố tình ép vào nội dung "Công ty mua sắm thêm máy móc thiết bị phục vụ cho SXKD để mở rộng qui mô, nâng cao năng lực sản xuất, thì thu nhập do hoạt động mở rộng qui mô, nâng cao năng lực sản xuất mang lại sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo qui định tại điểm 6 phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 nêu trên".

Hướng dẫn này rất thiếu căn cứ, rất vô lý và trái với hướng dẫn của Thông tư 130/2008/TT-BTC;

            2.3. Công văn số 6961/CT-TTHT ngày 06/08/2014 của Cục thuế tỉnh Đồng Nai trả lời cho Công ty TNHH Zheng Zhan về ưu đãi thuế TNDN như sau:

"Dự án đầu tư phát triển dự án đầu tư đang thực hiện, theo Giấy chứng nhận đầu tư số 472023000046 ngày 29/12/2006. Theo đó từ 2009-2013 Công ty có tăng vốn đầu tư, mua sắm thêm máy móc thiết bị xem như đầu tư mở rộng và không được hưởng ưu đãi thuế TNDN cho phần doanh thu tăng thêm do đầu tư mở rộng"

            Tuy nhiên, theo nội dung hướng dẫn tại Công văn số 931/TCT-CS của Tổng cục thuế thì việc xem là dự án đầu tư mở rộng không chỉ bắt doanh nghiệp phải có dự án đầu tư mà còn nói rõ thêm rằng "tài sản đầu tư thêm không nằm trong hồ sơ dự án đầu tư mở rộng đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì không được hưởng ưu đãi theo dự án mở rộng đã hoàn thành đối với phần thu nhập tăng thêm do việc đầu tư thêm tài sản này mang lại".

            Như vậy theo các căn cứ văn bản trên việc xác định dự án thuộc dự án đầu tư mở rộng để áp dụng ưu đãi thuế TNDN thì doanh nghiệp phải thỏa mãn cùng lúc các tiêu chí sau:

– Doanh nghiệp phải có dự án đầu tư; và

– Doanh nghiệp phải có hồ sơ dự án đầu tư.

            Ngòai ra, Tại điểm 2 và điểm 3 Phần I Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính quy định:

" Doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, thời gian miễn thuế, giảm thuế) theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp thì tiếp tục được hưởng các mức ưu đãi này cho thời gian còn lại. Trường hợp mức ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả thuế suất ưu đãi và thời gian miễn thuế, giảm thuế thấp hơn mức ưu đãi theo quy định của Thông tư này thì được áp dụng ưu đãi thuế theo quy định của Thông tư này cho thời gian còn lại tính từ kỳ tính thuế năm 2009…." và

" Doanh nghiệp đang được hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp nhưng không được hưởng mức thuế suất ưu đãi thì tiếp tục được hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế cho thời gian còn lại, từ kỳ tính thuế năm 2009 được chuyển sang áp dụng thuế suất 25%"  

            Công ty TNHH Zheng Zhan không có bất kỳ dự án đầu tư mở rộng nào và điều kiện ưu đãi thuế TNDN theo Giấy chứng nhận đầu tư của Công ty là "Dự án đầu tư sản xuất trong các khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập" và từ khi thành lập đến nay Công ty vẫn đang thực hiện triển khai một dự án đầu tư duy nhất, sản xuất tại một địa điểm duy nhất – trong khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, không có bất kỳ lý do nào để Cơ quan thuế cắt ưu đãi thuế TNDN theo Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp của doanh nghiệp.

            và còn nhiều văn bản hướng dẫn của ngành thuế trái với Thông tư, Nghị định, Luật như thế này nhưng doanh nghiệp buộc phải thực hiện theo để tránh các rủi ro không đáng có.

            Trên cơ sở các văn bản của Chính phủ, của Bộ Tài chính ban hành và cách vận dụng vô cùng khó hiểu của ngành thuế qua các Công văn trích dẫn trên, chúng ta cần làm rõ các nội dung sau:

Thứ nhất: Tại điểm 6, phần I, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính đã thay đổi cụm từ: "Doanh nghiệp đang hoạt động từ năm 2009 CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ xây dựng dây chuyền sản xuất mới" thay vì là "Cơ sở kinh doanh đang hoạt động CÓ ĐẦU TƯ lắp đặt dây chuyền sản xuất mới như điểm 2 Mục IV Phần E Thông tư số 134/2007/TT-BTC ngày 23/11/2007 của Bộ Tài chính. Như vậy Bộ Tài chính đã chỉnh nội dung từ CÓ ĐẦU TƯ thành CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ —> thêm từ "DỰ ÁN". Điều này nên được hiểu như thế nào cho đúng? có phải Bộ Tài chính muốn làm rõ hơn cơ sở để xác định đầu tư mở rộng là phải "CÓ DỰ ÁN ĐẦU TƯ" không? hay thêm vào với mục đích gì?

Thứ hai: Tại sao trong giai đoạn DN đầu tư mở rộng được ưu đãi thuế TNDN, khi mà Thông tư hướng dẫn không bắt phải có DỰ ÁN ĐẦU TƯ, Cơ quan thuế lại bắt phải có DỰ ÁN ĐẦU TƯ mới được ưu đãi thuế? và ngược lại trong giai đoạn đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế TNDN, khi mà Thông tư yêu cầu phải có DỰ ÁN ĐẨU TƯ, Cơ quan thuế lại bỏ qua tiêu chí này để truy thu và phạt thuế TNDN? Có phải mục đích cuối cùng của Cơ quan thuế là hạn chế tối đa ưu đãi và thu được càng nhiều thuế càng tốt bất chấp đạo lý, lẻ phải và cả văn bản do các cơ quan có thẩm quyền cao hơn đã ký ban hành?

Thứ ba: Xuyên suốt các văn bản của Nhà nước luôn thể hiện nội dung cam kết luật bất hồi tố, cụ thể: "Doanh nghiệp đang được hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước đây về thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc theo Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư đã cấp thì tiếp tục được hưởng thời gian miễn thuế, giảm thuế cho thời gian còn lại" (trích dẫn Thông tư 130/2008/TT-BTC) nhưng các cơ quan thuế lại quên mất nội dung này? Lẽ ra trước khi xem xét truy thu, phạt thuế tại doanh nghiệp, ngành thuế cần xem kỹ về điều kiện ưu đãi thuế TNDN, giải thích rõ ràng các cơ sở pháp lý, các cam kết của nhà nước, các thay đổi chính sách cho doanh nghiệp hiểu về chính sách thuế hơn là áp đặt 1 cách vô cùng khó hiểu như hiện nay.

Kiến nghị:

–          Bộ Tài chính và Chính phủ là cơ quan trực tiếp ban hành các Nghị định, Thông tư trên, đến nay đã phát sinh nhiều cách hiểu khác nhau, chính vì thế Chính Phủ và BTC cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn để doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng. Tránh việc vận dụng văn bản mỗi nơi một kiểu gây khó khăn cho doanh nghiệp như hiện nay.

–          Khi trả lời văn bản cho Doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế trả lời thẳng vào nội dung chính doanh nghiệp cần hỏi (cụ thể là được hay không được và nếu không được thì lý do tại sao cần làm rõ), tránh trường hợp trích dẫn các văn bản liên quan, đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng như hiện nay.

            Trong bài viết này, chưa bàn về mặt kế toán cũng như nhiều kía cạnh khác liên quan mà chỉ nêu ra các cơ sở quy định của Chính phủ, của Bộ Tài chính liên quan đến thuế cũng đã đủ thấy rõ việc vận dụng chưa đủ tính thuyết phục của ngành thuế địa phương. Thông qua đây Tôi cũng mong muốn Bộ Tài chính cần rà soát lại các văn bản do BTC ban hành, cần hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp, góp phần tạo dựng lại lòng tin nơi nhà đầu tư, cũng như từng bước thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ trong vấn đề cải cách các thủ tục thuế trong thời gian tới.

Tin liên quan